Đường lối, chính sách đúng đắn trong chuyển đổi số

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại ngày nay và hiểu rằng đây là cơ hội vô giá để phát triển đất nước, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Vòng chung khảo Cuộc thi sáng kiến “Vietcombank: 60 năm Đổi mới & Sáng tạo” với chủ đề Đổi mới vì tương lai.
Vòng chung khảo Cuộc thi sáng kiến “Vietcombank: 60 năm Đổi mới & Sáng tạo” với chủ đề Đổi mới vì tương lai.

Trên cơ sở đó, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ và phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Tại Kế hoạch này, ngành Ngân hàng đặt ra 8 nhiệm vụ chính gồm: 1) Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; 2) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; 3) Phát triển hạ tầng số; 4) Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước; 5) Hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại tổ chức tín dụng; 6) Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số; 7) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; 8) Phát triển nguồn nhân lực.

Ngày 7/6/2021, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ra Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, một số nhóm ngành cần ưu tiên chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương bao gồm: nhóm ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nhóm ngành giao thông vận tải; nhóm ngành năng lượng; nhóm ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng và nhóm ngành nông, lâm nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng có vai rất quan trọng bởi đây là ngành giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công cuộc chuyển đổi số sau 5 năm triển khai đã tạo ra được những biến chuyển to lớn và những thay đổi sâu sắc, căn bản trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Đất nước, đặc biệt là trong cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội.

Theo báo cáo chuyển đổi số quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/1ha/1 năm.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với năm 2022 đạt được kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng 11%. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. 

Về thể chế số, từ năm 2020 đến nay, đã có 3 luật, 2 nghị quyết của Chính phủ, 19 nghị định, 21 quyết định/chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành điều chỉnh trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số, trong đó Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2023 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV quy định giá trị pháp lý của các thành tố cơ bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực lên môi trường số được coi là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế cho chuyển đối số.

Lễ Khánh thành công trình “Ánh sáng nông thôn mới và Đường cờ Tổ quốc” và tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế​.
Lễ Khánh thành công trình “Ánh sáng nông thôn mới và Đường cờ Tổ quốc” và tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế​.

Về hạ tầng số, đến hết năm 2023, Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý. Các doanh nghiệp viễn thông di động cũng đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông. 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng lên 82,2%, tăng 2,6% so với cuối năm 2023. Năm 2024, Việt Nam có 87% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Cũng trong năm 2024, Việt Nam có thêm 1 trung tâm dữ liệu hiện đại với công suất 30MW. Bộ Truyền thông và Thông tin đã rà soát và công bố hơn 150 nền tảng số từ các bộ, ngành và địa phương nhằm tối ưu hóa đầu tư, tránh chồng lấn, lãng phí.

Về Chính phủ số, Đề án 06 được coi là một mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.

Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.473 dịch vụ công trực tuyến, hơn 353 triệu hồ sơ đồng bộ, 58,5 triệu hồ sơ trực tuyến, hơn 34,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến.

Tình hình xã hội số giai đoạn 2022-2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ 3% lên 13,5% (gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% so với năm 2020). Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh cho người dân. 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, ví điện tử...

Những kết quả đầy ấn tượng trên cho thấy, nhờ có đường lối, chính sách đúng đắn và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cũng như sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới.

Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng: Không chỉ là nhiệm vụ, còn là thực tiễn khách quan

Hệ thống ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nên sự phát triển của hệ thống ngân hàng luôn đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Trước sự phát triển lớn mạnh và không ngừng mở rộng của nền kinh tế, cùng với xu thế toàn cầu hóa, việc hội nhập quốc tế cùng các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn đã đặt hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vào thế buộc phải thích ứng linh hoạt để có thể hội nhập và phát triển.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc cách mạng số với sự hội tụ của các lĩnh vực công nghệ hiện đại như Internet vạn vật, công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu khối lớn… đã và đang trở thành xu hướng biến đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu và làm thay đổi căn bản mọi nền tảng và cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.

Đứng trước những cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của khoa học công nghệ, công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng, không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là một xu thế tất yếu và hiện thực khách quan của lịch sử.

Đổi mới, sáng tạo - Tiền đề cho những đột phá

Kể từ sau khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và Đề án đổi mới hoạt động ngân hàng được Hội đồng Bộ trưởng thông qua năm 1990, Vietcombank đã trở thành ngân hàng thương mại quốc doanh, kinh doanh trong lĩnh vực đối ngoại, tham gia sâu rộng vào thị trường tiền tệ thế giới và tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai và hoàn thành Đề án Tái cơ cấu (2000 - 2005) mà trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Trong thời gian này, Vietcombank đã tăng cường đầu tư, hiện đại hoá, nâng cao trình độ công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác bằng việc thành lập các công ty liên doanh, các công ty trực thuộc.

Năm 2002, Vietcombank triển khai đưa vào ứng dụng hệ thống ngân hàng lõi – Core Banking và trở thành ngân hàng đầu tiên ở Việt nam cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Online Banking), dịch vụ ATM và Internet Banking. Vietcombank cũng đã tiên phong làm một cuộc cách mạng về dịch vụ, sản phẩm ngân hàng ở Việt Nam thông qua việc phát triển hàng loạt các giải pháp, sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu và đem lại tiện ích gia tăng cho khách hàng.

Giai đoạn 2013-2018, đề án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Vietcombank đã tăng cường đầu tư hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai đồng bộ các dự án chuyển đổi nhằm từng bước hướng đến các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất.

Sớm nhận ra chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan và là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của ngân hàng trong tương lai, ngay từ năm 2018, Vietcombank đã là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam thuê tư vấn nước ngoài xây dựng chiến lược Chuyển đổi số và thực thi chiến lược này một cách mạnh mẽ.

Cùng với chiến lược Chuyển đổi số, Vietcombank cũng xây dựng và tích cực thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020 với 54 dự án công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ nghiệp vụ và xây dựng, nâng cấp hạ tầng, từng bước hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin theo lộ trình chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2020. 14 dự án trọng điểm được tập trung triển khai như dự án đầu tư đổi mới hệ thống CoreBanking, Trade Finance, ERP, MPA, SOA,...

Năm 2019, hoạt động của Vietcombank tiếp tục bứt phá ấn tượng, lập kỷ lục mới, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên đạt mốc lợi nhuận 1 tỷ đô la Mỹ và nằm trong Top 200 tổ chức tài chính ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn cầu.

Vietcombank là ngân hàng lớn đầu tiên tại Việt Nam đưa vào hoạt động Trung tâm ngân hàng số. Năm 2019, Vietcombank khởi động dự án “Chuyển đổi ngân hàng số” với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên số hóa, mang đến sự hài lòng cho khách hàng thông qua các trải nghiệm số hóa sử dụng nền tảng dữ liệu và công nghệ.

Những thành quả Vietcombank đạt được trong năm 2019 là to lớn và tạo tiền đề quan trọng, củng cố nền tảng vững chắc để Vietcombank bước vào một giai đoạn phát triển mới, hội nhập với khu vực và quốc tế. Do vậy, dù năm 2020, dù đối mặt với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, kinh doanh, song nhận ra những cơ hội to lớn đằng sau những khó khăn, thách thức, Vietcombank đã nhanh chóng triển khai và tạo ra những đổi mới đột phá trong hoạt động ngân hàng số, đưa vào vận hành thành công Hệ thống ngân hàng lõi mới - Core Banking Signature và triển khai nhiều dự án ứng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động, quản trị theo thông lệ quốc tế.

Năm 2020, Vietcombank đã chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank hoàn toàn mới, thanh toán đa kênh tích hợp được xây dựng trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên internet banking và mobile banking, cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử và thiết bị di động.

Với những đổi mới số hóa mang tính đột phá, Vietcombank đã được vinh danh là “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu của Việt Nam” trong năm 2020.

Năm 2021, trong bối cảnh phải đối diện với những khó khăn, thách thức chung chưa từng có tiền lệ, sự hoành hành của đại dịch COVID-19 với yêu cầu giãn cách, phong tỏa kéo dài làm gián đoạn sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, Vietcombank lại một lần nữa thể hiện bản lĩnh tiên phong của người đi đầu khi hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh được giao và giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Cũng trong năm này, Vietcombank đã ban hành 2 văn bản có tính định hướng quan trọng trong chuyển đổi số, gồm: Chương trình hành động chuyển đổi số với 7 Nhóm hành động và 15 mục tiêu cụ thể, bám sát theo định hướng tại các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Đảng Ủy Khối DNTW và Kế hoạch chuyển đổi với 304 hành động theo 4 trụ cột: Số hóa (Digital), Dữ liệu (Data), Công nghệ (Technology) và Chuyển đổi (Transformation) cùng một lộ trình triển khai chi tiết.

Cũng trong năm 2021, Vietcombank đã triển khai 107 sáng kiến chuyển đổi số hướng tới 2 mục tiêu chính là nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quy trình nội bộ. Giải pháp số VCB Digibank khẳng định vị thế khi có được số lượng người dung cao nhất trị trường, triển khai thành công giải pháp E-KYC, dịch vụ Digibiz. Khối Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được chính thức thành lập từ 01/12/2021, đóng vai trò hạt nhân trong công tác chuyển đổi số toàn hàng.

Trước những thách thức và cơ hội đan xen, từ năm 2022, Vietcombank đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hóa tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược. Theo đó, Vietcombank xác định chuyển đổi toàn diện hoạt động ngân hàng bán lẻ với định hướng xuyên suốt lấy khách hàng làm trọng tâm, tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động bán lẻ một cách mạnh mẽ, bền vững để mang đến các sản phẩm dịch vụ vượt trội trên nền tảng công nghệ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, phù hợp với đặc thù của từng phân khúc.

Tập trung triển khai quyết liệt lộ trình chuyển đổi số với mục tiêu dẫn đầu, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số; không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ nổi bật nhằm gia tăng tiện ích, tối đa hóa trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.

Năm 2022, Vietcombank trở thành ngân hàng đi đầu về thanh toán Dịch vụ công tại Việt Nam và là ngân hàng tiên phong được Chính phủ lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Vietcombank đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động thanh toán dịch vụ công như cho phép khách hàng sử dụng VCB Digibank, QR Code, thanh toán không tiếp xúc... nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai cung ứng Dịch vụ thu phí hạ tầng Cảng biển, là ngân hàng  đi đầu triển khai chi thanh toán điện tử qua kết nối thanh toán song phương với Bảo hiểm xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Vietcombank triển khai cung cấp dịch vụ truy vấn thông tin người hưởng để BHXH chi trả hỗ trợ cho người lao động chính xác, kịp thời góp phần đảm bảo an toàn đời sống của người dân trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

Năm 2022, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên chính thức triển khai Go-live hệ thống Hóa đơn điện tử (e.Invoice) theo đúng chuẩn dữ liệu của Tổng cục Thuế và là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam cung ứng dịch vụ thu thuế cho nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam. Việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng toàn bộ HĐĐT cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số của Vietcombank.

Vietcombank là một trong 10 ngân hàng đầu tiên trên toàn thế giới tham gia triển khai thành công dịch vụ xác thực trước thông tin chuyển tiền quốc tế (Payment Pre-validation) trên toàn bộ các điểm giao dịch và trên kênh ngân hàng số Vietcombank. Đây là một dịch vụ thuộc hệ giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng thanh toán toàn cầu của tổ chức SWIFT đem đến cho khách hàng những tiện ích, trải nghiệm sản phẩm dịch vụ thanh toán toàn cầu.

Cũng trong năm này, Vietcombank đã Go-live thành công 2 dự án là Dự án Treasury - Front Arena - giải pháp công nghệ tài chính linh hoạt, khép kín quy trình giao dịch trên thị trường tiền tệ, vốn giúp đáp ứng nhu cầu sản phẩm tài chính hiện đại của thị trường và Dự án ALM-FTP - giải pháp đo lường và quản trị rủi ro, quản trị giá vốn nội bộ và nâng cao hiệu quả bảng tổng kết tài sản.

Năm 2023, vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng như khó khăn chung của nền kinh tế, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh doanh đề ra, không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh triển khai chương trình hành động chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng công nghệ số, liên tục ra mắt các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ số, blockchain, trí tuệ nhân tạo, máy học… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Tại sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng với chủ đề: “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, Vietcombank đã giới thiệu với khách hàng và công chúng những sản phẩm dịch vụ ứng dụng chuyển đổi số mới nhất, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ có ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Theo đó, nhóm sản phẩm có ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an như Onboarding by Tablet – Giải pháp đăng ký dịch vụ ngân hàng sử dụng CCCD gắn chip, Giải pháp Cấp tín dụng trên môi trường điện tử ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) (bao gồm cả khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Năm 2023, Vietcombank cũng ghi nhiều dấu ấn với việc ra mắt hàng loạt sản phẩm dịch vụ, ứng dụng nổi trội như giới thiệu Apple Pay đến người dùng Việt Nam - một phương thức thanh toán hiện đại, đột phá về tính tiện lợi và an toàn chỉ với thao tác chạm nhẹ vào thiết bị thanh toán có biểu tượng contactless thông qua các thiết bị của Apple gồm iPhone, Apple Watch.

Với ứng dụng thanh toán trên điện thoại Google Pay, khách hàng chỉ cần liên kết thẻ Vietcombank vào Google Pay là có thể sử dụng điện thoại (có NFC) để thanh toán tại bất kỳ đâu mà không cần phải mang theo thẻ vật lý. Ứng dụng Vietcombank Tap-to-phone lại có thể giúp biến một chiếc điện thoại bất kỳ thành một máy chấp nhận thẻ có đầy đủ tính năng hiện đại và chấp nhận hình thức thanh toán “không chạm” như thẻ contactless hay ứng dụng Google Wallet, Samsung Pay… Dịch vụ này không chỉ giúp cho các đơn vị bán hàng nhanh chóng mà còn tiết kiệm chi phí.

Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam diễn ra vào tháng 5/2023, Vietcombank đã được vinh danh với 3 giải thưởng: “Ngân hàng Bán lẻ tiêu biểu 2023”; “Ngân hàng Chuyển đổi số tiêu biểu 2023”; “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023”.

Năm 2024, phát huy vai trò là ngân hàng tiên phong, dẫn dắt thị trường, VCB đã chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 và của NHNN theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024. 9 tháng đầu năm 2024, Vietcombank quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt có thành tích xuất sắc và được khen thưởng trong việc triển khai, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng và người dân khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, đồng thời tạo nền tảng cơ sở hạ tầng tốt để tiếp tục triển khai các sản phẩm dịch vụ trong thời gian tới.

Vietcombank cũng nghiêm túc triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi giao dịch trên kênh số: Vietcombank là đơn vị duy nhất trong hệ thống ngân hàng triển khai đồng bộ cả 2 phương thức xác thực cho khách hàng giao dịch trên kênh số gồm: (1) xác thực bằng CCCD gắn chip cả trên kênh online và kênh quầy (gần 400 điểm bán) và (2) xác thực bằng VNeID mức độ 2. Ngày 13/4/2024, ba giải pháp số của Vietcombank là VCB CashUp, Host to Host – API Integration và VCB i-School đã được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024.

Ngày 18/6/2024, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân với toàn bộ giao diện và luồng trải nghiệm được thiết kế mới hoàn toàn cho từng phân khúc, cùng những dịch vụ, tiện ích lần đầu xuất hiện, mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng.

Vietcombank cũng là đơn vị đầu tiên triển khai tiện ích Đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho khách hàng, chấm dứt tình trạng người dân chen lấn đông đúc tại các điểm bán vàng miếng, đồng thời tiếp tục nghiên cứu phát triển phương án bán vàng miếng trực tuyến qua ứng dụng để tạo thuận lợi và tiện ích cho khách hàng.

3 tháng cuối năm 2024, Vietcombank đặt ra nhiệm vụ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ trên kênh số và tích cực triển khai các giải pháp về phát triển kiến trúc và hạ tầng công nghệ thông tin: (1) Hiện đại hóa nền tảng công nghệ và hạ tầng dữ liệu nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng; (2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; (3) Tăng cường nhân lực số; (4) Hình thành và phát triển văn hóa chuyển đổi số tại Vietcombank.

Song song với đó, Đảng ủy Vietcombank cũng chỉ đạo toàn Đảng bộ và hệ thống Vietcombank tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Chương trình đào tạo số để phổ biến Nghị quyết và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới toàn thể cán bộ, nhân viên và xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số” do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức.

Trách nhiệm xã hội của tổ chức lớn

Với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước trụ cột, chủ lực của ngành Ngân hàng, Vietcombank luôn ý thức rõ về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đi đầu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuân thủ đạo đức kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của Đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cho cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

Với phương châm lấy người lao động làm trung tâm, Vietcombank luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc đảm bảo một môi trường làm việc nhân văn, hiệu quả, phát huy cao nhất năng lực, sở trường và nhiệt huyết của người lao động; luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, đảm bảo và gia tăng quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hóa, ổn định, tiến bộ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2023, Vietcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong 8 năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam.và được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” lần thứ 4 liên tiếp.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank luôn là doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện do Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và các địa phương phát động.

Trước khi có Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động an sinh của Vietcombank luôn bám sát mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Trong giai đoạn 2009-2023, Vietcombank đã dành hơn 3.200 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội và hoạt động thiện nguyện với những chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Năm 2021, Vietcombank đã dành gần 723 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. Riêng số tiền chung tay cùng đồng bào cả nước ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 là gần 381 tỷ đồng. Các lĩnh vực trọng tâm mà Vietcombank hướng tới là y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh… Vietcombank đặc biệt quan tâm hỗ trợ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, thôn xã đặc biệt khó khăn, hải đảo..

Trái ngọt của người đi đầu

Vietcombank vinh dự là ngân hàng duy nhất 8 lần liên tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia.

Tháng 8/2020, Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2020, trong đó, Vietcombank là ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất với 251 triệu USD và cũng là ngân hàng duy nhất lọt Top 10.

Năm 2023, Vietcombank tiếp tục duy trì vị thế cao trong các bảng xếp hạng của các tổ chức uy tín quốc tế như: Thương hiệu ngân hàng giá trị nhất tại Việt Nam do Brand Finance đánh giá; Ngân hàng tốt nhất Việt Nam do Alpha SEA bình chọn; “Dẫn đầu thị trường” và “Dịch vụ tốt nhất” Việt Nam thông qua khảo sát tài chính của Asia Money, Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất và Ngân hàng có quan hệ đầu tư tốt nhất do International Finance đánh giá…

Tại Việt Nam, Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu Top 10 ngân hàng thương mại uy tín 2023; 9 lần liên tiếp có mặt trong Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam; lần thứ 11 liên tiếp Vietcombank có mặt trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” do Forbes Việt Nam xếp hạng… cùng rất nhiều giải thưởng và vinh danh khác của các Bộ/Ngành và tổ chức/đơn vị trong và ngoài nước. Năm 2023, Vietcombank là một trong 20 cổ phiếu được đánh giá có chỉ số phát triển bền vững tốt nhất thị trường.

Đặc biệt với quy mô vốn hóa lên tới trên 20 tỷ USD, Vietcombank tiếp tục có mặt trong Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu, và đứng thứ 93 tại thời điểm cuối năm 2023.

Năm 2023, Vietcombank đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (01/04/1963-01/04/2023) để ghi nhận những đóng góp bền bỉ của Vietcombank cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân. Những thành tựu to lớn mà Vietcombank có được ngày hôm nay là kết quả của những bước chân miệt mài, bền bỉ tiến về phía trước và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống Vietcombank trong hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo theo đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong suốt cả chặng đường dài.

Những trái ngọt từ đó mà được sinh ra!

Theo https://tapchitaichinh.vn/vietcombank-voi-tinh-than-dam-doi-moi-tien-phong-va-dot-pha.html