Mới đây nhất Ngày 26/3 tại Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng trồng gần 800 cây thuốc phiện trong vườn nhà.
Cụ thể, Công an huyện Si Ma Cai phối hợp với công an xã Lùng Thẩn đã phát hiện, tại khu vườn gia đình nhà bà Giàng Thị Say có dấu hiệu nghi vấn trồng cây thuốc phiện. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản bắt quả tang đối với Giàng Thị Say về hành vi trồng cây thuốc phiện.
Qua kiểm đếm, có 799 cây, trong đó 42 cây đã bị nhổ lên có hiện tượng khô héo, 11 cây bị mất phần ngọn, số cây này có chiều cao từ 10cm đến 145cm, nhiều cây đã ra hoa và quả được lấy nhựa. Đối tượng Say khai nhận, đã sử dụng hạt thuốc phiện để gieo trồng xen lẫn với cải mèo trên đất vườn của gia đình. Mục đích trồng là để lấy nhựa từ quả thuốc phiện tươi để làm thuốc. Lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ số cây trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó ngày 14/3, Công an phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) tiến hành kiểm tra tại vườn cạnh nhà ông Má A Páo (SN 1942, trú ở tổ 2). Qua đó, phát hiện ông Páo đang trồng các cây thực vật có thân lá, quả màu xanh, hoa màu tím ở mảnh vườn. Qua kiểm đếm, có 753 cây đủ cả rễ, thân, lá (có cây đã ra hoa, quả; có cây chưa ra hoa).
Ông Má A Páo sau đó đã khai nhận số thực vật trên, là cây thuốc phiện do mình trồng từ khoảng tháng 9/2023. Công an đã lập biên bản bắt người phạm tội đối với Má A Páo về hành vi trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, thu giữ số cây này để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại tỉnh Cao Bằng, ngày 19/3, Công an huyện Bảo Lâm đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Phùng Văn Ton (SN 1974, trú tại Bản Búng, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm) về tội danh sản xuất trái phép chất ma túy.
Vật chứng thu giữ gồm 23 cây thuốc phiện đều đã ra quả, tất cả các quả đều bị khứa lấy nhựa và 0,59 gam nhựa thuốc phiện, một số vật dụng phục vụ việc tinh chế nhựa cây thuốc phiện.
Tại tỉnh Lai Châu, đầu tháng 3, sau 4 giờ leo núi, lực lượng chức năng tại Lai Châu đã bắt quả tang Lỳ Khừ Nu (SN 1957), trú tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè đã trồng hơn 3.000 cây thuốc phiện ở khu vực rừng sâu, heo hút, với mục đích lấy nhựa cây để sử dụng, nếu được nhiều sẽ bán.
Tại tỉnh Điện Biên, lực lượng chức năng tại tỉnh Điện Biên vừa phát hiện 600 cây thuốc phiện đang ra hoa do đối tượng được xác định là Hờ Thị La (SN 1977), trú tại bản Huổi Po, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ. Qua kiểm đếm sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện trong đám nương diện tích khoảng 30m2, có khoảng 600 cây thuốc phiện đang thời kỳ ra hoa được trồng xen lẫn với rau cải.
Tại khu lán nương thuộc bản Nậm Đắc, xã Pú Đao của gia đình Mua A Páo (SN 1971), lực lượng chức năng đã triển khai kiểm tra, phát hiện 4 thửa ruộng trồng cây màu xanh nghi là cây thuốc phiện đã có hoa và quả, với tổng số 1.950 cây. Tại bản Nậm Đắc, xã Pú Đao, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành lập biên bản, phá nhổ 60 cây thuốc phiện đang có hoa và quả tại lán nương của gia đình anh Mùa A Thề (SN 1964).
Đặc biệt trước đó, khoảng 12h45 ngày 22/2, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an TP. Lai Châu phát hiện tại 1 ngôi nhà thuộc tổ 24, phường Đông Phong, TP. Lai Châu có trồng 3 luống cây thuốc phiện có tổng số 1.347 cây.
Cơ quan CSĐT cũng triệu tập Trần Minh Quyết là người thuê ngôi nhà trên đến làm việc. Tại cơ quan Công an, Quyết khai nhận đã mua hạt giống cây thuốc phiện trên mạng về gieo nhằm mục đích lấy cây và quả ngâm rượu.
Công an tỉnh Lai Châu vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Minh Quyết (SN 1991) trú tại Thôn Tiền, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình về hành vi trồng cây thuốc phiện trái phép.
Người dân vùng cao trồng cây thuốc phiện tại nhà để sử dụng, xử lý thế nào?
Theo Luật sư Lê Hoàng Phúc An, Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư cho biết: Khi Nhà nước ban hành pháp luật, thì mọi người dân không phân biệt là người hiểu biết hay không hiểu biết đều phải có nghĩa vụ tìm hiểu để tuân thủ.
Tuy nhiên, khi đã có hành vi vi phạm, việc xử lý sẽ được cơ quan chức năng xem xét đánh giá. Nếu người hiểu biết pháp luật, biết rõ hành vi là sai trái, vi phạm pháp luật mà vẫn thực hiện thì được đánh giá là cố ý và cần bị xử lý nghiêm.
Còn đối với người do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, không thể tìm hiểu quy định pháp luật (người dân sống ở khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa), thì có thể được xem xét về nguyên nhân thực hiện hành vi để giảm tính chất mức độ vi phạm. Và trong xử lý sẽ đề cao tính tuyên truyền, giáo dục hơn so với người hiểu biết pháp luật, nhưng cố tình thực hiện hành vi.
Cây thuốc phiện là khởi nguồn của ma túy, nhựa của cây thuốc phiện là tiền chất mà những người phạm tội sử dụng để sản xuất chất ra các chất ma túy. Do vậy, việc trồng cây thuốc phiện là hoạt động khởi nguồn của chuỗi sản xuất, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy.
Đây là những hành vi được xác định là tội phạm nguy hiểm. Mọi người dân đều biết, tệ nạn ma túy gây ra những hệ lụy rất lớn đối với xã hội, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của giống nòi, hủy hoại tương lai của thế hệ trẻ, gieo rắc "cái chết trắng", khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh "tan cửa nát nhà"...
Hành vi trồng trái phép các loại cây có chứa chất ma túy, như cây thuốc phiện là vi phạm Ðiều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Ðiều 247 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các quy định liên quan. Cụ thể, người trồng cây thuốc phiện có thể bị phạt đến 7 năm tù nếu trồng với số lượng 3.000 cây trở lên; tái phạm nguy hiểm;... Trường hợp người vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể bị phạt đến 10 triệu đồng và phạt 20 triệu đồng đối với tổ chức theo Ðiều 23 Nghị định 144/2021/NÐ-CP. Nếu là người nước ngoài vi phạm có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam…
Pháp luật sinh ra để bảo vệ những lợi ích chung của xã hội, đảm bảo sự an toàn và phát triển của đất nước. Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về tác hại của việc trồng, sử dụng cây thuốc phiện, biết được các chế tài nghiêm khắc của pháp luật dành cho hành vi này để từ đó không trồng loại cây này.