Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. |
Từng bước hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực
Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo về hình hình thi hành Hiến pháp, thực hiện Nghị quyết số 67/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được quan tâm. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, thông qua các đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện pháp luật về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thời gian qua, các Bộ trưởng đã thường xuyên quán triệt, đôn đốc công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo rà soát, đề xuất giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo của các luật gây khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể đều đã ban hành kế hoạch riêng hoặc lồng ghép trong chương trình, kế hoạch công tác năm việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026; chú trọng tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới các hình thức đa dạng như qua trang fanpage, zalo, hội nghị trực tuyến...
Nỗ lực ban hành các văn bản quy định chi tiết
Về kết quả xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 24/9/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 94/102 văn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục Luật định.
Về chất lượng của văn bản quy định chi tiết thông qua công tác thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm tra, xử lý văn bản; công tác thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính được các bộ quan tâm thực hiện, đã đi vào nền nếp, có sự kiểm soát chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng văn bản.
Bộ Tư pháp đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Việc thẩm định các thông tư được các bộ quan tâm, chỉ đạo.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác này. Trong đó, công tác xây dựng pháp luật để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch đã được quan tâm, tập trung thực hiện. Các văn bản quy định pháp luật về miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế... được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Về bảo đảm các điều kiện cho xây dựng và thi hành pháp luật, một số đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thực trạng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.