Hình ảnh: Đổi mới, sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành công số 1
 Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra ý kiến của mình xung quanh vấn đề, cần phải thay đổi kịp thời trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Mở đầu hội thảo, CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Dược Xanh phân tích, tốc độ thay đổi của thế giới chóng mặt, chỉ sau 10 năm, dung lượng dữ liệu đã tăng lên hàng nghìn lần, trước kia một ổ USB 16 GB có thể thay thế cho hàng chục nghìn đĩa mềm. Thì từ khi Iphone đầu tiên ra đời vào năm 2007 đến nay, 1 chiếc Iphone hay điện thoại thông minh vừa gọi điện thoại, vừa có các chức năng thay thế cho máy ảnh, ti vi, mua sắm, đọc sách, kết nối trò chuyện. Ngoài ra, nó có thể trao đổi với hàng tỷ người trên thế giới với tốc độ xử lý tương đương với máy tính siêu lớn vài thập niên trước, hoặc có thể mua bán bất cứ hàng hóa, dịch vụ nào trên khắp thế giới chỉ bằng vài thao tác. Bên cạnh đó, những chiếc xe ô tô tự động với công nghệ tự lái chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, thì nay đã và đang thử nghiệm ở nhiều nước và sẽ trở thành phổ biến trong tương lai không xa.

CEO Đặng Đức Thành cho rằng, chính vì lẽ đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt phải đặt ra phương châm xuyên suốt: “luôn luôn đổi mới – sáng tạo.  Đây là yếu tố quyết định mang lại sự thành công”.

Theo CEO Đặng Đức Thành, trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa qua, Việt Nam ban hành chính sách tương đối kịp thời, nhưng thực thi còn chậm so với kỳ vọng. Ngoài ra, Việt Nam đang trong trạng thái bình thường mới, cần phải thực hiện ba trụ cột: Doanh nghiệp phải tự cứu mình; tính toán nguồn lực để tồn tại qua khó khăn và phát triển phục hồi. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng phó kịp thời.

Về giáo dục, Giáo sư Phạm Hồng Cương, Học viện Công nghệ Wentworth Boston Hoa Kỳ chia sẻ, cách thức học online như bước đột phá mới mang lại cơ hội cho nền giáo dục. Lấy dẫn chứng từ Mỹ, Giáo sư Cương cho rằng khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trường học phải đóng cửa và phương thức dạy học từ xa được áp dụng. Đây là sự thay đổi thói quen dạy học bao đời nay. Do đó, không cứ gì Mỹ, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng phải thay đổi mô hình giáo dục trực tuyến.

Hình ảnh: Đổi mới, sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành công số 2
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Chi Mai)

Về chuyển đổi mô hình bán hàng, bà Nguyễn Hồng Xuân Ngọc, Quản lý kế toán và phân tích tài chính, Công ty Amazon (Mỹ) cho rằng: Ảnh hưởng COVID-19 đã làm thay đổi hàng loạt thói quen tiêu dùng. Do tình trạng thất nghiệp và thu nhập giảm, người tiêu dùng quan tâm đến giá cả và giá trị nhiều hơn, hướng đến thử nhãn hàng mới. Vì vậy, giãn cách xã hội buộc họ phải sử dụng hình thức mua bán online. Đó cũng là cơ hội cho thương mại điện tử, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Bởi trước kia, cửa hàng truyền thống mất nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân viên. Hiện nay, doanh nghiệp vốn ít vẫn có thể tiếp cận các kênh bán online. Do đó, khách hàng dễ mua các nhãn hàng, dễ thay đổi lựa chọn nếu doanh nghiệp không đảm bảo cung ứng kịp thời.

Đưa ra giải pháp nắm bắt cơ hội bán hàng online, bà Nguyễn Hồng Xuân Ngọc cho biết, doanh nghiệp cần phân phối hàng hóa đa dạng, chuyển dịch dần từ truyền thống sang online bằng hình thức nâng cấp website, app bán hàng, mô tả sản phẩm chi tiết, lựa chọn thanh toán bảo mật cao, tập trung digital marketing, tối ưu hóa SEO, content marketing, hiển thị tương tác trải nghiệm khách hàng … Từ đó điều chỉnh chiến dịch quảng cáo và cách thức phù hợp. Muốn vậy, đội ngũ nhân sự phải có kỹ năng công nghệ cao, hiểu biết digital marketing và thấu hiểu khách hàng.

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất - Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Chiến lược và Quản lý Global Elite, Chủ tịch – CMO Worldwide Vietnam thông tin, trước COVID-19 , Việt Nam là điểm đến tốt cho du lịch và các nhà sản xuất. Hiện kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các Khu công nghiệp tăng trưởng tốt, tiềm năng các nhà sản xuất dịch chuyển sang nước ta là tín hiệu tốt. Bởi lâu nay, Việt Nam vẫn được đánh giá có nền kinh tế trẻ nên được khuyến nghị đầu tư giáo dục và hạ tầng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn ở phía trước, do đó khi nền kinh tế càng khủng hoảng, các doanh nghiệp càng phải làm maketting, phải giữ khách hàng, duy trì khách hàng.

TS Võ Trí Thành, Phó chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế VEC cho rằng, việc doanh nghiệp cắt giảm nhân sự là biện pháp cuối cùng trong các biện pháp cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, dường như việc cắt giảm nhân sự ở doanh nghiệp Việt và FDI có cách ứng xử rất khác nhau. Với các doanh nghiệp FDI, họ thường truyền thông điệp tới người lao động rằng, thứ nhất là cắt giảm là lỗi của doanh nghiệp, không phải lỗi của người lao động, người lao động vẫn có nhiều giá trị. Thứ hai, họ tạo ra những nền tảng để người lao động chuyển sang việc làm khác thông qua việc tặng cho mỗi lao động bị cắt giảm một máy tính để có thể sử dụng vào công việc mới. Đây chính là cách ứng xử văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19./.


CM (dangcongsan.vn)



Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/doi-moi-sang-tao-la-yeu-to-quyet-dinh-su-thanh-cong-563407.html