Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB).

Trước thềm Hội nghị quy mô toàn quốc để tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Dưới góc đối tác tài trợ lớn, bà đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân các dự án đầu tư có nguồn từ ODA mà WB tài trợ cho Việt Nam trong thời gian vừa qua? Tình hình có cải thiện gì không?

Carolyn Turk:  Tính đến tháng 10/2020, tại Việt Nam WB có danh mục gồm 39 dự án đang hoạt động, với tổng mức cam kết là 7,4 tỷ USD. Các dự án này hỗ trợ nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, từ giáo dục đại học, y tế cơ sở, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu đến phát triển cơ sở hạ tầng và gần đây nhất là ứng phó với đại dịch COVID-19.

Việc giải ngân ODA do WB tài trợ được cải thiện trong năm tài chính 2020 (từ tháng 7/2019 đến 6/2020) đạt tỷ lệ giải ngân đạt 14%, cao hơn 4,4 điểm phần trăm so với năm tài chính 2019 (9,6%).

Mặc dù có sự cải thiện, tỷ lệ giải ngân vẫn dưới mức trung bình nếu so với Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và các khoản cho vay ODA của WB, với tỉ lệ tương ứng là 18,6 và 18,7%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn mức trung bình trong ba năm tài chính 2014-2016 là 19,2% ở chính Việt Nam.

Điểm đáng quan ngại là xu hướng tăng dường như chững lại trong năm tài chính 2021 (bắt đầu từ tháng 7/2020). Trong quý đầu tiên của năm tài chính này, tỷ lệ giải ngân của chúng tôi thấp nhất trong 20 năm.

WB đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện giải ngân đầu tư công, bao gồm cả các dự án ODA.

Đặc biệt, thời gian gần đây, chúng tôi đã nhận thấy đã có sự tăng tốc trong giải ngân đầu tư công và hy vọng sẽ thấy những cải thiện tương tự trong việc giải ngân vốn ODA.

Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm trễ ở nhiều dự án có nguồn từ ODA ở Việt Nam?

Carolyn Turk: Có một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai các dự án do WB tài trợ, chủ yếu là các vướng mắc về khung pháp lý, thể chế, thủ tục và cả trong các khâu triển khai các giai đoạn khác nhau của dự án.

Trước tiên, tôi thấy quy trình phê duyệt khá lâu, theo tính toán sơ bộ, trung bình các dự án mất 10 tháng kể từ khi phê duyệt đến khi có hiệu lực và gần 19 tháng từ khi phê duyệt đến khi giải ngân lần đầu. Thứ hai, có sự chậm trễ trong việc ký kết các thỏa thuận cho vay lại giữa các tỉnh và Bộ Tài chính. Thứ ba, tính sẵn sàng thực hiện dự án còn hạn chế, ví dụ, có những nơi lãnh đạo e ngại bắt đầu các quy trình mua sắm trước khi nguồn vốn được bảo đảm sẵn sàng.

Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công, ngay cuối tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân. WB đánh giá thế nào về những nỗ lực và có đề xuất giải pháp gì?

Carolyn Turk:  Đúng vậy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong những năm gần đây, bao gồm cả các khoản đầu tư ODA, đã trở thành bận tâm lớn của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Thực tế thì Chính phủ đã hành động khá khẩn trương. Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là bằng chứng rõ ràng cho thấy Chính phủ có quyết tâm đi kèm với hành động quyết liệt để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bao gồm cả các dự án có nguồn vốn ODA, để hỗ trợ khôi phục và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Chúng tôi kỳ vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục những nỗ lực cải cách có ý nghĩa này để gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn lần tới cho thấy rõ nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA.

Tôi hy vọng rằng các đại biểu tham gia hội nghị sẽ đưa ra những ý tưởng và giải pháp cụ thể để giải quyết những nút thắt khác nhau, từ khi khởi động đến khi thực hiện, hoàn thành dự án ODA nói riêng và đầu tư công nói chung, để lợi ích các dự án này đến với người dân nhanh hơn nữa.

Theo tôi, khi triển khai có thể phát sinh các vấn đề và việc của chúng ta là có ngay các nhóm giải pháp thích đáng. WB cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả quản lý ODA thông qua việc thiết kế một quy trình phê duyệt hợp lý, thống nhất, trong đó có sự phân quyền và trách nhiệm rõ ràng khi tực hiện các thủ tục. Quan trọng, khi xây dựng quy trình và phân công, cần lường hết được các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện có phương án giải quyết kịp thời.

Cuối cùng, mặc dù việc phân bổ nguồn lực đã được cải thiện đáng kể, nhưng theo tôi vẫn cần đẩy nhanh việc giao ngân sách đầy đủ, kịp thời hơn nữa cho các đơn vị có liên quan đến việc thực hiện dự án.

Xin trân trọng cám ơn Bà!
Huy Thắng (thực hiện)
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Giam-doc-WB-Chinh-phu-Viet-Nam-co-du-quyet-tam-de-go-nut-that-ve-giai-ngan-dau-tu-cong/410844.vgp