Khan vàng miếng - ai thiệt ai lợi?

Bất chấp sự can thiệp của NHNN bằng cách đấu thầu vàng nhằm tăng cung vàng ra thị trường, giá vàng miếng SJC vẫn tăng không ngừng, liên tục thiết lập các mức giá cao nhất mọi thời đại. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá vàng miếng liên tục được điều chỉnh tăng mạnh theo ngày, mỗi ngày lập nên một kỷ lục mới về giá.

Tính đến 15h30 ngày 10/5, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào bán ra ở mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1 chỉ được niêm yết ở mức 74,7 - 76,5 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới đang đứng ở mức 2.362 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng chưa kể thuế, phí là khoảng 71,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra tới 20,3 triệu đồng/lượng.

Tốc độ tăng giá vàng đến hôm nay (10/5) được tính bằng phút, bằng giờ. Không ít người dân bị cuốn theo cơn lốc tăng giá này mà xếp hàng dài tại các tiệm vàng để chờ mua. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nhiều người đã phải ra về tay không do nhân viên nhân viên tiệm vàng thông báo đã hết vàng miếng và nhẫn trơn.

Đáng chú ý, nguồn cung khan hiếm trên diện rộng, nhưng NHNN vẫn “ế” vàng. Cụ thể, thời gian qua, NHNN đã 5 lần lên kế hoạch tổ chức đấu thầu vàng, nhưng 3 lần phải hủy do không có đơn vị tham gia thầu. Hai lần đấu thầu có kết quả nhưng chỉ đạt khoảng 40% lượng vàng NHNN muốn cung ra thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể không "mặn mà" tham gia đấu thầu vàng bởi tình trạng hiện nay giúp họ có lợi hơn so với việc để giá trong nước liên thông với thế giới, thị trường càng bất ổn thì biên lợi nhuận (chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra càng lớn), cung càng nhỏ lái tàu càng dễ.

“Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra lớn”, ông Linh cho biết.

Chống "vàng hóa" thành... “hóa vàng”

Trong tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Thủ tướng Chính phủ sau đó cũng có nhiều lần chỉ đạo NHNN đánh giá lại Thông tư số 24/2012/TT-NHNN và có những giải pháp ổn định thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế.

NHNN cũng đã gửi các công văn tới các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhằm mục đích ổn định thị trường, đồng thời tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng nhằm tăng cung cho thị trường, nhưng chỉ có 6.800 lượng vàng được đấu thầu thành công.

Ông Linh cho rằng, câu chuyện đấu thầu vàng miếng của NHNN không thể hạ nhiệt được thị trường, ngay cả khi đấu thầu thành công đủ 16.800 lượng vàng. Nguyên nhân là, bản thân giá đấu thầu cao (giá đấu thầu ngày 8/5 là 86,05 triệu đồng/lượng) nên không thể bình ổn thị trường. Nếu muốn hạ nhiệt, NHNN phải bán giá thấp hơn thị trường, sát với giá vàng thế giới.

“Vàng phải nhập ảnh hưởng đến tỷ giá nên NHNN phải cân nhắc. Hiện giá thị trường vượt 90 triệu đồng/lượng. Nếu NHNN bán 80 triệu đồng/lượng cũng không thể hạ nhiệt. Đây là giá đỉnh trước khi vào đợt sóng tăng gần đây”, ông Linh cho biết thêm.

Theo ông Linh, lúc đấu thầu ai cũng kỳ vọng có thể bình ổn giá vàng nhưng thị trường phản ứng ngược lại càng đấu càng tăng. Rõ ràng, doanh nghiệp trúng thầu đợt 1, 2 hiện bán ra lãi luôn trong cơn sóng vàng.

Có thể thấy, sau mỗi phiên đấu thầu thành công, giá vàng lại càng tăng mạnh một cách khó hiểu. Điểm lại phiên trúng thầu 3.400 lượng vào ngày 23/4, giá vàng ngay ngày sau đó cũng đã tăng thêm 1,35 triệu đồng/lượng. Tức 2 doanh nghiệp trúng thầu khi đó tại mức giá 81,3 triệu đồng/lượng cũng đã lãi ngay 7,48 tỷ đồng chỉ sau một ngày. Còn nếu tính theo mức giá hiện tại là 90,4 triệu đồng/lượng, 3.400 lượng trúng thầu hôm 23/4 đã mang lại lợi nhuận gần 38 tỷ đồng.

Tương tự, 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng ở mức giá 86,05 triệu đồng/lượng ngày 8/5. Chỉ sau hai ngày, 3 đơn vị này có thể lãi 14,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước được dự báo có thể còn tăng tiếp, dù nhiều chuyên gia nhận định rằng mức tăng này là phi lý.

Ngoài ra, lượng cầu thật sự hiện nay trên thị trường là như thế nào, cũng như khối lượng giao dịch thật sự mỗi ngày là bao nhiêu vẫn là một ẩn số. Khác với nhiều loại hàng hóa khác, việc thống kê các giao dịch trên thị trường vàng miếng từ trước đến nay chưa được hệ thống hóa. Vì vậy, có không ít hoài nghi thị trường vàng miếng vẫn đang bị thao túng bởi các tay chơi lớn.

Theo https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang-nha-nuoc-cang-dau-thau-vang-thi-truong-cang-soc.html