Các chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam rất nhiều tiềm năng để khai thác. Việc tham gia thị trường này với nhà đầu tư nước ngoài là không dễ dàng do phải đáp ứng nhiều điều kiện, nên mua bán và sáp nhập (M&A) là con đường ngắn nhất để hoàn thành mục tiêu. Đây cũng lý do giúp cho các thương vụ bán công ty tài chính càng về sau càng có giá.

“Làn sóng” buông dần công ty tài chính

Nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong những năm gần đây tăng trưởng cao. Chẳng hạn, năm 2020 đạt dư nợ khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Năm 2021, dù dịch bệnh bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, song nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng khoảng 13-15%. Chính vì thế, các công ty tài chính được mệnh danh là "gà đẻ trứng vàng".

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia M&A thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, còn các ngân hàng mẹ của công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam lại rốt ráo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Ngày 25/8 vừa qua, Ngân hàng SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, thành viên Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) của Nhật Bản.

Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, song chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht (155,77 triệu USD) để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng. Đại diện Krungsri cũng thông tin, SHB Finance hiện có hơn 200.000 khách hàng vay.

Nếu như vậy, đây là thương vụ mua lại công ty tài chính có giá trị lớn thứ hai trên thị trường Việt Nam. Thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và cũng là thương vụ có giá trị cao nhất trong lĩnh vực ngân hàng thuộc về VPBank. Dự kiến tháng 9 năm nay, VPBank sẽ thu về gần 1,4 tỷ USD (khoảng 30.000 tỷ đồng) từ thương vụ bán 49% vốn Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cho SMBC (hai bên đã ký thỏa thuận từ tháng 4/2021).

Ngoài SHB và VPBank, MSB cũng đang đàm phán bán 100% vốn tại Công ty tài chính tiêu dùng cộng đồng (FCCOM) cho đối tác ngoại. Nếu MSB sớm hoàn tất quá trình lựa chọn đối tác và chốt được thương vụ này vào cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 thì có thể thu về ít nhất 500 tỷ đồng.

Tương tự, theo thông tin từ Công ty chứng khoán VNDirect, VietinBank cũng đang có kế hoạch thoái vốn tại 3 công ty con. Điển hình như dự kiến bán 50% vốn Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing, trong đó 49% sẽ bán cho đối tác Nhật Bản là Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance, 1% sẽ bán cho nhà đầu tư trong nước. Hồ sơ của thương vụ này đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và cũng kỳ vọng hoàn thành trong năm nay.

Người mua, kẻ bán... đều có lợi

Không thể phủ nhận, giấy phép các công ty tài chính đang ngày càng có giá với nhà đầu tư ngoại, khi hầu hết công ty tài chính trên thị trường đã được "sang tay" cho các đối thủ của họ. Đáng chú ý, các thương vụ bán công ty tài chính sau thường có giá trị vượt xa các thương vụ trước đó.

Năm 2017, Techcombank bán Công ty tài chính Techcombank Finance cho Lotte Card chỉ với 75,6 triệu USD. Năm 2018, Prudential bán 100% vốn Prudential Finance - công ty tài chính tiêu dùng lớn thứ tư thị trường, hơn 300.000 khách vay - cho Shinhan Card chỉ với 150 triệu USD.

Trong khi đó, dự báo MSB bán FCCOM có thể giá trị thấp hơn nhiều so với thương vụ của VPBank và SHB, song đây là mức giá khá cao với FCCOM, nếu tính vào thương hiệu, quy mô và hiệu quả hoạt động. Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 606,8 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của công ty đạt 322 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn, dù trong ngắn hạn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc tham gia thị trường này với nhà đầu tư nước ngoài là không dễ dàng do phải đáp ứng nhiều điều kiện. Chẳng hạn, việc thành lập công ty tài chính mới hoàn toàn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn về pháp lý và thủ tục. Hơn nữa, thay vì phải bỏ nhiều tiền, mất nhiều thời gian để thành lập mới thì mua đứt các công ty tài chính có nhiều ưu điểm hơn, Chính phủ Việt Nam cũng rất hoan nghênh sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại. Do đó, M&A là con đường ngắn nhất. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, các tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam.

Ngược lại, đối với các ngân hàng Việt Nam, việc thành lập hay thoái vốn công ty tài chính là chiến lược của từng nhà băng và thể hiện xu hướng thị trường. Thông tin phát đi từ Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, thương vụ này sẽ góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, phát triển khách hàng, sản phẩm cũng như mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, nâng cao uy tín, hình ảnh SHB trên khu vực và thế giới.

Trong khi đó, VPBank cũng khẳng định, số tiền thu được từ thương vụ bán vốn công ty tài chính sẽ được hạch toán vào khoản thu nhập bất thường của VPBank, được ghi nhận ngay vào lợi nhuận năm 2021, khiến lợi nhuận năm nay sẽ đột ngột tăng lên rất cao. Đây chính là cơ sở để ngân hàng tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ vào năm 2022.

Theo https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ngan-hang-ban-ga-de-trung-vang-thu-ty-do-338194.html