Lừa đảo gia tăng

Thường xuyên giao dịch nên chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (phường 2, TP. Tuy Hòa) thường nhận những tin nhắn từ ngân hàng cảnh báo về việc kẻ gian gọi điện, gửi tin nhắn, email, đường link giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản.

Đồng thời, ngân hàng cũng đề nghị khách hàng giữ bí mật tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, tuyệt đối không cung cấp những thông tin này cho bất kỳ ai. “Mỗi khi nhận được tin nhắn gì bất thường, tôi thường gọi điện cho nhân viên ngân hàng hỏi thăm, nếu đúng là của ngân hàng thì tôi yên tâm, nếu không tôi sẽ không làm theo. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, tư vấn cho đồng nghiệp như vậy để mọi người tránh được rủi ro khi giao dịch”, chị Hạnh cho biết.

Ngoài những tin nhắn “chính chủ” do ngân hàng nhắn tin cảnh báo, mới đây, anh Nguyễn Tường Lân ở phường 5, TP. Tuy Hòa bất ngờ nhận được tin nhắn cũng từ đầu số ngân hàng, thông báo rằng tài khoản của anh đã bị khóa, kèm theo đó là một đường link yêu cầu đăng nhập để xác thực. Link có chứa tên ngân hàng cùng một số ký tự viết tắt, nội dung thông báo được viết bằng tiếng Việt không dấu.

“Ban đầu, khi thấy tin nhắn báo tài khoản bị khóa, tôi hơi hoang mang, không hiểu nguyên nhân vì sao, và cũng đã định nhấp vào đường link để tìm hiểu. Nhưng may sao tôi định thần lại, thấy đường link ngoài tên ngân hàng còn có một số ký tự lạ, phần đuôi thay vì “.com” hoặc “.vn” thì lại chấm “.cc” nên tôi gọi điện ngay cho một người bạn làm ngân hàng để hỏi thăm. Bạn tôi nói đó là tin nhắn lừa đảo nên tôi xóa ngay, tránh trường hợp mình bấm nhầm thì mất tiền oan”, anh Lân nói.

Theo bà Đặng Thị Bích Triêm - Phó Giám đốc VietinBank Phú Yên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khách hàng tăng cường giao dịch và thanh toán qua kênh các ngân hàng điện tử như internet banking, mobile banking. Đây cũng là lúc các đối tượng tội phạm công nghệ lợi dụng để gia tăng thực hiện các hình thức lừa đảo đánh cắp thông tin khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là giả làm nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch, yêu cầu cung cấp dãy số trên thẻ ATM, thẻ tín dụng quốc tế; mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong tin nhắn/thư điện tử.

Nhiều đối tượng lừa đảo tinh vi, gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng (tin nhắn này được lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng) để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu... thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng...

Thường xuyên cảnh báo

Bà Đặng Thị Bích Triêm cho biết: Những vụ lừa đảo bằng cách giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính là không mới. Nhưng đặc biệt xuất hiện nhiều trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Nắm bắt tình hình đó, VietinBank tăng cường cảnh báo khách hàng thông qua việc dán poster, trình chiếu video cảnh báo khách hàng tại sảnh giao dịch để khách hàng nhận biết. Chi nhánh cũng tích cực truyền thông qua website, fanpage của VietinBank; đồng thời chủ động gửi tin nhắn cảnh báo đến khách hàng về các hành vi mà các đối tượng tội phạm lừa đảo để khách hàng nâng cao nhận thức nhằm phòng ngừa rủi ro.

Còn theo đại diện Agribank Phú Yên, trước những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đơn vị khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp cho bất cứ ai các thông tin về các dịch vụ ngân hàng gồm: Tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng. Khách hàng không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng bất cứ khi nào nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung lạ, liên quan đến giao dịch ngân hàng. Không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập internet banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của mình vào một website khác với website của ngân hàng; không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng...

Khi nghi ngờ một tin nhắn là giả mạo hoặc bị mất thông tin, hãy gọi ngay tới đường dây nóng của các ngân hàng. Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; đổi mật khẩu của dịch vụ đã cung cấp thông tin cho kẻ gian; gọi điện ngay đến đường dây nóng của ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. 

Bà Đặng Thị Bích Triêm, Phó Giám đốc VietinBank Phú Yên:

Những vụ lừa đảo bằng cách giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính là không mới. Nhưng đặc biệt xuất hiện nhiều trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ngan-ngua-rui-ro-trong-giao-dich-ngan-hang-dien-tu-338153.html