Nhận thấy nhu cầu về loại thanh long ruột đỏ còn rất lớn đối với thị trường Liên Bang Nga. Trong khi tiềm năng của sản phẩm này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Do vậy Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế đã thực hiện chuyến khảo sát đối nguồn sản phẩm Thanh long nói trên tại vùng đất huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc.
Được biết những năm gần đây việc đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng trên đất đồi huyện Sông Lô là một trong những mô hình mới, nhưng bước đầu đã khẳng định được kết quả rất khả quan. Đặc điểm của cây thanh long sau 1 năm trồng đã có thể cho thu hoạch và lợi nhuận đem lại tương đối cao. Vì vậy, việc trồng cây thanh long ruột đỏ đang mở ra hướng phát triển mới cho người dân huyện Sông Lô.
Từ đầu năm 2013 một số hộ gia đình ở thôn Hiệp Lực xã Đồng Thịnh huyện Sông Lô đã mạnh dạn đầu tư cải tạo diện tích vườn tạp chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, ban đầu các hộ mua giống của bà con xã Vân Trục huyện Lập Thạch và huyện Thạch Thất – Hà Nội, cũng như học hỏi kinh nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ rồi đem về áp dụng trồng tại vườn nhà. Trong quá trình trồng các hộ nghiên cứu sách báo, Internet. Khi biết thêm thông tin về giống thanh long Long Định I của Viện nghiên cứu cây trồng Hà Nội các hộ cũng đã mạnh dạn mua về trồng thử nghiệm. Qua quá trình trồng và chăm sóc: Thanh long ruột đỏ là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất đồi, đất sỏi đá, ít sâu bệnh và không mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt giống thanh ruột đỏ Long Định I rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây và có ưu điểm vượt trội hơn hẳn 2 giống thanh long ruột đỏ đang trồng như: Quả to, chất lượng quả ngọt hơn, gai thưa, mắt thưa, quả đỏ tươi, mẫu mã đẹp, quá trình đẻ nhánh khỏe, ra hoa nhiều tỷ lệ đậu quả cao. Hiện tại mỗi hộ gia đình đang trồng từ 1000 đến 1.500 trụ, năm nay vườn thanh long của các hộ đã bắt đầu cho ra quả bói, tính từ đầu vụ đến nay đã thu hái được 4 lứa mỗi lứa thu được từ 20-25 triệu đồng.
Bước đầu nhận thấy cây thanh long ruột đỏ Long Định I đem lại nhiều triển vọng, kế hoạch trong thời gian tới các hộ đầu tư chuyển toàn bộ diện tích sang trồng thanh long ruột đỏ Long Định I. Các hộ hy vọng cây thanh long ruột đỏ sẽ là hướng đi mới thay thế cho các cây ăn quả có hiệu quả kinh tế thấp của xã Đồng Thịnh nói riêng và huyện Sông Lô nói chung.
Với hướng đi mới này, sản phẩm nông sản Thanh long ruột đỏ của huyện Sông Lô được kỳ vòng sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương tại thị trường Liên Bang Nga và sẽ có mặt trên thị trường quốc tế.
Ảnh và bài: Xuân Lương & Lý Giác Huy