(Chuyên đề BTP- Hoàng Thanh): Phiên tòa trực tuyến – Nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp
Một phiên tòa xét xử trực tuyến tại Kon Tum

Theo công văn số 58/TANDTC-TĐKT, Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao yêu cầu các đơn vị TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong thời gian từ 10/8/2022 đến ngày 30/9/2022, mỗi đơn vị TAND phải tổ chức ít nhất từ 3 phiên tòa trực tuyến trở lên. Đây là tiêu chí bắt buộc để các đơn vị, cụm thi đua bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng năm 2022.

Ghi nhận tại Kon Tum cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, TAND tỉnh Kon Tum đã mở và đảm bảo an toàn 6 phiên toà xét xử trực tuyến 14 vụ án. Trong đó 4 phiên xét xử 4 vụ, điểm cầu trung tâm đặt tại TAND tỉnh, điểm cầu thành phần đặt tại TAND huyện và 2 phiên điểm xét xử 10 vụ, cầu trung tâm đặt tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, điểm cầu thành phần đặt tại TAND tỉnh.

Đơn cử, sáng ngày 29/9/2022, Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi đã mở phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến. Đây là phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên được Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi phối hợp với Công an huyện Ngọc Hồi thực hiện. Điểm cầu trung tâm được tổ chức tại Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi, điểm cầu thành phần các bị cáo tham gia phiên tòa tại Nhà tạm giữ Công an huyện Ngọc Hồi.

Các bị cáo được đưa ra xét xử là Võ Huỳnh Thiện Tâm, phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, bị tuyên phạt 20 tháng tù giam. Cùng ngày, Tòa án nhân dân huyện xét xử trực tuyến bị cáo Giáp Văn Thông, phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, tuyên phạt 36 tháng tù giam, bị cáo Thao Hương phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tuyên phạt 12 tháng tù giam…

Tại Kon Tum, những phiên tòa diễn ra theo hình thức trực tuyến xét xử các vụ án sơ thẩm, phúc thẩm như các phiên tòa xét xử trực tiếp. Các bị cáo đang tạm giam sẽ không phải đến địa điểm xét xử trung tâm mà sẽ ở điểm cầu thành phần do TAND chỉ định được kết nối qua các thiết bị trực tuyến.

Để đảm bảo việc triển khai được thuận lợi, TAND tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu. Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ các thủ tục của một phiên tòa theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử.

Các phiên tòa trực tuyến diễn ra đảm bảo không khí trang nghiêm, trật tự, đường truyền giữa các điểm cầu ổn định, hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả; trong quá trình tổ chức xét xử vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.

Phiên tòa xét xử trực tuyến do Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hương Thủy phối hợp với Tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức
Phiên tòa xét xử trực tuyến do Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hương Thủy phối hợp với Tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức

Tương tự, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, TAND các cấp cũng đã đẩy mạnh việc mở các phiên tòa trực tuyến để xét xử các vụ án hình sự, hành chính. Mới đây, TAND huyện Phú Lộc đã tổ chức 4 phiên tòa trực tuyến xét xử các vụ án hình sự. Trên cơ sở phối hợp của TAND huyện với Viện Kiểm sát nhân dân, Công an huyện Phú Lộc và sự hỗ trợ của TAND tỉnh, các phiên tòa trực tuyến tổ chức tại 2 điểm cầu, gồm điểm cầu trung tâm tại hội trường xét xử TAND huyện và điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ Công an huyện Phú Lộc.

Các phiên tòa trực tuyến diễn ra thuận lợi mà không phải trích xuất bị cáo đến tòa án; việc xét xử trực tuyến bảo đảm chất lượng, tất cả tình tiết nội dung của vụ án đều được người tiến hành tố tụng làm rõ; bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác được trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng công khai. Phiên tòa còn kết hợp chiếu các hình ảnh hiện trường vụ án, công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa để làm rõ hơn các tình tiết của vụ án.

Theo Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Vũ Văn Minh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội cũng như công văn số 58/TANDTC-TĐKT, hệ thống Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đang tích cực xét xử trực tuyến đạt được những thành tích quan trọng. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến dù trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn về công nghệ, về cơ sở vật chất, về con người nhưng với sự nỗ lực tích cực tối đa của đội ngũ thẩm phán, thư ký, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán của tập thể lãnh đạo, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, truyền tải một cách có hiệu quả Nghị quyết số 33 và chủ trương của TAND Tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến...

Qua đó có thể thấy, hiện nay, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp ở Việt Nam và trên thế giới. Việc xét xử trực tuyến phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ.

Đồng thời, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến nhằm hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, Tòa án thông minh còn giúp tiết kiệm chi phí xã hội, đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, chính trị không chỉ cho tòa án mà cho cả các đương sự. Từ đó góp phần phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất.

Gia Lai: Tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng chống tảo hôn
Theo https://baodantoc.vn/phien-toa-truc-tuyen-nhu-cau-xu-huong-tat-yeu-cua-hoat-dong-tu-phap-1670223524845.htm