Sáng 28/7 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng.
 
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), để đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai các nhiệm vụ kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/8 tại trụ sở NHNN Việt Nam, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Hình ảnh: Sắp diễn ra Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng số 1
Họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng. (Ảnh: Hà Anh).
“Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng có các sự kiện chính: Hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng cường kết nối, thúc đẩy Chuyển đổi số ngân hàng” nhằm tổng kết các thành tựu về chuyển đối số, đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
 
Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành ngân hàng với sự tham gia của 13 gian hàng của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay.
 
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).
 
Tính đến tháng 6/2022, có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).
 
Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025.
 
Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.
 
Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính.
Hà Anh
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/sap-dien-ra-ngay-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang/20220728094250981