Toàn cảnh tọa đàm - Ảnh: VGP/Lê Anh |
Thời gian tới, để tận dụng được các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), các hiệp hội, DN kiến nghị, cơ quan ngoại giao phối hợp hỗ trợ DN xây dựng những trung tâm, giống như trung tâm tích hợp tại các thị trường lớn trọng điểm như Mỹ, EU hay Trung Quốc nhằm giúp DN Việt Nam giới thiệu các mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu thị trường cũng như hợp tác với DN nước sở tại nhằm tận dụng được các lợi thế từ hiệp định thương mại.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho biết, hiện nay, nhiều DN rất cần các sứ quán tư vấn về vấn đề thanh toán quốc tế cũng như giúp DN tìm các công ty luật nước ngoài uy tín để hỗ trợ trong các vấn đề pháp lý. “Những thị trường mới, ít cạnh tranh, lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao, các DN rất cần những thông tin từ các sứ quán”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Du lịch TPHCM kiến nghị, các đại sứ tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch, ẩm thực Việt Nam ra thế giới, góp phần sớm khôi phục lại ngành du lịch trong nước vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19
Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Đại diện Thường trực tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, khi muốn tìm hiểu thị trường hay có các vấn đề phát sinh, vướng mắc, “DN nên đặt hàng cụ thể, giao việc cho các sứ quán”. Các DN phải có thông tin cụ thể, chi tiết từng vấn đề để đại diện đại sứ quán Việt Nam tại các nước có thể hỗ trợ, phản ảnh kịp thời với các cơ quan, đơn vị nước sở tại.
Chia sẻ với các DN xuất khẩu, ông Nguyễn Trung Kiên, Đại sứ Việt Nam tại Áo cho rằng, lâu nay DN Việt chỉ xuất khẩu thô là chủ yếu mà chưa chú trọng đến khai thác thị trường halal.
Theo ông Kiên, thị trường halal một năm doanh thu giá trị khoảng 2.200 tỷ USD, trong đó 1.400 tỷ USD là thực phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm của DN Việt Nam lại phải xuất sang nước khác, hợp chuẩn rồi xuất sang thị trường halal. Do đó, DN Việt Nam không được hưởng lợi nhiều.
Để hỗ trợ các DN, nhất là ngành lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm tăng cường vào thị trường halal, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan, xây dựng trung tâm cấp phép halal tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi đề nghị, thời gian tới, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ mới tăng cường trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, bởi hiệp hội có vai trò lan tỏa, thông qua hiệp hội, các DN sẽ nắm rõ hơn về các thông tin, chính sách mới nhất tại thị trường các nước. Đồng thời, đề nghị các hiệp hội, DN cần trao đổi cụ thể, chi tiết các vấn đề cần quan tâm hay phát sinh cụ thể để các cơ quan ngoại giao nắm rõ, phối hợp, hỗ trợ cho DN một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, cơ quan ngoại giao tại các nước cần tận dụng công nghệ cũng như phối hợp chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để nắm rõ về thông tin, định hướng thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho các DN xuất khẩu trong nước.
Lê Anh