Vài năm trước, cảnh tượng dòng người xếp hàng dài trước các cây ATM những ngày cận Tết đã trở nên khá quen thuộc, và các bảng thông báo bảo trì ATM cũng không còn xa lạ. Tuy nhiên, một hai năm gần đây, dù nhu cầu sử dụng tiền vẫn tăng cao hơn vào dịp cuối năm nhưng việc rút tiền mặt và ùn ứ tại các ATM đã không còn xảy ra.
"Vào giờ tan tầm vẫn có nhiều người dân đến ATM để rút tiền, nhưng lượng người không thể bằng so với những năm trước", anh N.T.T, hiện đang làm công tác bảo vệ tại chi nhánh SCB Phương Mai cho biết.
Theo ghi nhận ở một vài khu vực đông dân cư, tại các cây ATM, số lượng người đến rút tiền rất ít, trong khi mọi năm thời điểm này thường rất đông đúc.
Có thể lý giải một phần do dịch bệnh, nhưng điều quan trọng là do thói quen thanh toán của người dân đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây, chuyển sang thanh toán không tiền mặt.
Không chỉ khu vực thành thị mà ở khu vực nông thôn, người dân cũng dần quen với các hình thức thanh toán như quét mã QR, ví điện tử, chuyển tiền qua mobile banking, thậm chí là lì xì qua ví điện tử...
Xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử góp phần giảm tải từ hệ thống ATM sang hệ thống thanh toán khác, như chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán qua di động, thanh toán qua các điểm chấp nhận thẻ…
Ngoài ra, 3 nhà mạng viễn thông lớn đã được cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ mobile money, cho phép người dùng có thể chuyển tiền, thanh toán mà không cần kết nối Internet, cũng không cần có tài khoản ngân hàng, phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Sự đa dạng trong phương thức thanh toán giúp nhu cầu sử dụng tiền mặt trong người dân giảm đáng kể. Điều này đã được đánh giá tại báo cáo của Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) khi năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM lần đầu tiên giảm 5% so với năm 2020.
Tại các cửa hàng, nếu như trước đây chỉ có một hình thức thanh toán là tiền mặt thì bây giờ đã có thêm rất nhiều hình thức thanh toán khác thông qua các ứng dụng ngân hàng hay ví điện tử trên điện thoại di động, máy POS. Nhiều chủ cửa hàng cho biết so với trước khi dịch bệnh diễn ra, số lượng người mua hàng chọn thanh toán không tiền mặt tăng khoảng 20-30%.
Theo NAPAS, đơn vị này có thể xử lý khối lượng giao dịch rất lớn, lên tới 7 triệu giao dịch/ngày và vẫn đảm bảo an toàn, trong đó có những giao dịch thẻ ATM và giao dịch chuyển tiền 24/7.
Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tại một điểm ATM trước đây thường có những hàng dài người dân xếp hàng chờ rút tiền, một người dân vui mừng cho biết, việc không phải xếp hàng dài như mọi năm là an toàn và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại. Vị khách hàng này cũng bày tỏ sự hài lòng với các giao dịch thanh toán không tiền mặt nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện như hiện nay.
Đến thời điểm này, các ngân hàng cho biết đều đã và đang chuẩn bị kỹ phương án đảm bảo các hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, thông suốt; tăng cường giám sát an ninh mạng và triển khai các biện pháp kỹ thuật, bố trí nhân sự cần thiết đảm bảo an toàn hoạt động của các hệ thống thanh toán và các hệ thống liên quan được thông suốt, an toàn, hiệu quả (đặc biệt là thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên hệ thống ATM, POS), đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết.