Hình ảnh: Tiền Giang: Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp số 1

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ việc thực hiện chuyển đố số cho doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Báo Ấp Bắc) 

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết: Năm 2023, chương trình phát triển kinh tế số đã mang lại những hiệu quả tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Tiền Giang được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số (có 3.235/6.066 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh). Giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 15,2% tổng GRDP của tỉnh (tương đương 17.238/112.818 tỉ đồng).

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường các hoạt động hợp tác thỏa thuận về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Qua đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử... 

Về phát triển thương mại điện tử, Tiền Giang hiện đã có 276.882 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử (postmart, voso) xếp thứ 2/63 tỉnh/thành phố; với 2.420 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 28/63 tỉnh/thành phố; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 15.811 giao dịch, xếp thứ 51/63 tỉnh/thành phố. Nhờ vậy, việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang được đẩy mạnh trên không gian số.

Năm 2024, cùng với việc xây dựng kế hoạch hành động, triển khai thực hiện các chương trình kinh tế số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế số; khảo sát chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đánh giá mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số đạt hiệu quả. 

Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, tạo sự quyết tâm chuyển đổi số trong lãnh đạo doanh nghiệp; hỗ trợ để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mở khóa đào tạo chuyên ngành về chính quyền số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm số, giải pháp dịch vụ công nghệ số trọng điểm phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác.../.

Đức Minh

Nguồn: dangcongsan.vn