Theo thống kê của Bộ Công Thương, dự báo từ nay đến năm 2030, nhu cầu điện sẽ tăng bình quân khoảng 7,5-8%/năm. Theo kết quả sơ bộ của Báo cáo Quy hoạch điện VIII, do Viện Năng lượng nghiên cứu, dự báo nhu cầu sản xuất điện ở kịch bản cơ sở đến năm 2030 khoảng trên 526 tỷ kWh, tương ứng với công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống là 131.000 MW. Với quy mô tổng công suất nguồn điện năm 2019 khoảng 55.900 MW, từ nay đến năm 2030 sẽ cần xây dựng thêm 75.100 MW nguồn điện, trung bình mỗi năm 7.500 MW.

Những năm trước đây, các dự án điện đều do các doanh nghiệp Nhà nước xây dựng và vận hành, thì đến nay, quy mô và tỷ trọng của các nhà đầu tư tư nhân đã ngày càng lớn. Cụ thể, đến cuối năm 2019, trong cơ cấu nguồn điện cả nước đã có công suất 19.253 MW thuộc khối tư nhân (bao gồm cả các nhà máy điện được đầu tư theo hình thức IPP và BOT), chiếm tới 34,4%.

Tiếp nối các chủ trương về huy động khối tư nhân tham gia ngành năng lượng, Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu trong quan điểm định hướng chiến lược, cũng như nhiệm vụ phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là: “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.

Do đó, với vai trò hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 55, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng Hội thảo với hơn 120 đại biểu đến từ các ban, bộ ngành trung ương và địa phương, các đại sứ quán và tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước cùng thảo luận, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập.

Các diễn giả, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, luật, năng lượng đến từ các công ty Astris Finance, Hogan Lovells, Moody's, GE Capital, DFC, Marubeni, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương (Vietinbank) sẽ tập trung tham luận một số chủ đề như khái quát quy trình cấp vốn và phân bổ rủi ro giữa các bên trong Hợp đồng mua bán điện (PPA); cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam; tham gia của Ngân hàng địa phương vào các dự án huy động vốn quốc tế; những chuẩn mực cần có trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) để có thể huy động vốn đầu tư cho các dự án điện độc lập.

Các tiêu chuẩn kêu gọi vốn và các thức phân bổ rủi ro trong Hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện độc lập; kinh nghiệm đầu tư các dự án điện độc lập tại Trung Đông và Indonesia (Hợp đồng mẫu PPA); chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam…

Theo Ban Tổ chức, sự kiện này là diễn đàn hữu ích, giúp các các bên thảo luận, đánh giá thêm về hướng tiếp cận và một số phương thức, điều kiện phù hợp để huy động các nguồn vốn quốc tế cho phát triển năng lượng nói chung và cho các dự án nguồn điện độc lập nói riêng. Qua đây, các các chuyên gia, nhà quản lý cũng muốn làm rõ thêm vai trò của Ngân hàng nhà nước Việt Nam gắn với những cơ chế, chính sách về quản lý ngoại hối, cũng như sự tham gia của các ngân hàng thương mại cổ phần vào các dự án huy động vốn quốc tế và một số nội dung liên quan khác nhằm thúc đẩy phát triển các dự án nguồn điện độc lập, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tim-giai-phap-nang-hieu-qua-huy-dong-von-quoc-te-cho-cac-du-an-dien-doc-lap/414863.vgp