Hội nghị diễn ra chiều 7/9, là dịp để các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Hình ảnh: Trong COVID-19, Việt Nam vẫn được coi là điểm hấp dẫn đầu tư số 1
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: HNV)

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động thu hút đầu tư tập trung vào khu vực ASEAN của Ngân hàng Standard Charterd, khởi đầu là Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020 được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4.700 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã có bài phát biểu tại sự kiện và đã có các trao đổi tại phiên thảo luận. Phiên thảo luận còn có sự tham gia của Soren Bech, Tổng Giám đốc RB Health Vietnam và ông C. K. Tong, Tổng Giám đốc BW Industrial Development và được điều phối bởi ông NiruktSapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á cùng ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên độc lập không điều hành của Hội đồng thành viên, Ngânhàng Standard Chartered Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Standard Chartered trong việc đề xuất phối hợp với Bộ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị trực tuyến này. Đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau chia sẻ về những xu hướng đầu tư mới, giải pháp cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông NiruktSapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, chia sẻ với những yếu tố nền tảng mạnh mẽnhư dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang lại những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Hình ảnh: Trong COVID-19, Việt Nam vẫn được coi là điểm hấp dẫn đầu tư số 2
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng chia sẻ thông tin tại Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: HNV) 

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng thông tin về tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020, việc triển khai tiêu chuẩn Basel II của các ngân hàng thương mại cũng như hoạt động của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ tích cực nhất cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư…

Thực tế, trong nhiều năm qua, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã có quá trình tái cơ cấu đầu tư và định vị lại chuỗi cung ứng. Gần đây, khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp,xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng và đặc biệt tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùngnhữngcải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồngthời với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 nhưng kết quả thu hút FDI trong 8 tháng qua của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng số vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, đặc biệt vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn đăng ký mở rộng và tăng thêm tăng 22,2%. Những con số này rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, phù hợp với định hướng của Việt Nam. Đó là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực.  

Hình ảnh: Trong COVID-19, Việt Nam vẫn được coi là điểm hấp dẫn đầu tư số 3
 Các đại biểu tại điểm cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: HNV)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian vừa qua, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao cũng như thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như: (i) chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; (ii)đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (iii)tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; (iv) thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Đồng thời, ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư- kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) đã được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phần cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu ddaixd đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cũng đã được Quốc hội thông qua mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU. Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, được xem như các tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB),việc thực hiện đồng thời cả Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.

Với mạng lưới kết nối rộng khắp trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn Ngân hàng Standard Chartered tăng cường sự kết nối các nhà đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, cùng với Việt Nam xây dựng các trung tâm, cơ sở chuyên biệt để đem lại động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm tài chính quốc tế,…

Sau Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tiếp cận các doanh nghiệp quan tâm tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, hỗ trợ trong quá trình tìm hiểu đầu tư, kết nối đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư một cách thuận lợi.

Cơ hội đã có, để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay, với khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, Việt Nam cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, đổi mới tư duy, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo trong quá trình triển khai./.


Lê Anh/dangcongsan.vn



Theo http://dangcongsan.vn/kinh-te/trong-covid-19-viet-nam-van-duoc-coi-la-diem-hap-dan-dau-tu-563053.html