Cảnh báo giả mạo thương hiệu EVN để quảng cáo cho vay tín chấp
Sáng 23/4 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa tin về việc thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam xuất hiện các tờ rơi đăng tải thông tin hỗ trợ vay tín chấp dưới dạng giả mạo và lợi dụng hình ảnh, logo và tên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo nội dung thông báo như sau: Trước hết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định không có bất kỳ hoạt động cho vay tín chấp nào như nội dung tờ rơi nêu trên. EVN không có bất kỳ đơn vị trực thuộc nào hoặc doanh nghiệp liên kết nào của EVN có tên là “Ngân hàng Điện lực Việt Nam”. EVN là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện lực luôn tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua đã có một số đơn vị, cá nhân đã giả mạo thông tin, quảng cáo, phát tán tờ rơi in logo và thương hiệu EVN khi chưa được sự chấp thuận, cho phép của EVN trong nhiều hoạt động khác nhau. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo. EVN kính đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí thông tin kịp thời đến người dân để đề phòng và nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng. Tập đoàn trân trọng cảm ơn các khách hàng sử dụng điện, các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng hành và hỗ trợ. EVN sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ điện để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Anh đoàn luật sư Hà Nội, Phó Ban Pháp luật Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế nhận định pháp lý về vụ việc như sau:
Theo thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nêu: đối tượng đã có hàng vi vi phạm dùng thủ đoạn mạo danh EVN để thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Chế tài xử lý là phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc chung thân.
Đồng thời, việc mạo danh danh nghĩa, thương hiệu của (EVN) còn có dấu hiệu vi phạm quyền về sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, vi phạm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa thông tin mạo danh đơn vị và tài liệu chứng cứ chứng minh tổn thất do hành vi xâm phạm gây ra đồng thời tiến hành khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền giải quyết. Nếu tòa án tuyên chấp nhận các yêu cầu mà (EVN) đưa ra thì người bị kiện buộc phải xin lỗi, cải chính; bồi thường thiệt hại, chấm dứt hành vi vi phạm (Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).
Hùng Sơn