Bộ GTVT cho biết trong tổng số 66 dự án BOT giao thông do Bộ quản lý, có 53 dự án đang duy trì thu phí hoàn vốn. Trong số này, chỉ 4 dự án thu cao hơn so với hợp đồng. Còn lại 26 dự án đạt 70-100%, 19 dự án đạt 30-70% và 4 dự án đạt dưới 30%.

Hình ảnh: 49 trên tổng số 53 dự án BOT giao thông thua lỗ số 1

Hầu hết các dự án BOT giao thông thua lỗ.

Cuối năm 2023, trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cho tăng phí BOT đồng loạt tại 41 dự án. Việc tăng phí kết hợp với lượng xe gia tăng dịp cận tết Nguyên đán đã giúp doanh thu bình quân các dự án trong tháng 1/2024 tăng khoảng 17% so với bình quân năm 2023.

Tuy nhiên, một số dự án đã sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, việc tăng phí cũng không có khả năng phục hồi.

Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ phương án xử lý 8 dự án BOT giao thông gặp khó khăn lớn mà không phải lỗi của nhà đầu tư. 8 dự án này được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là dự án BOT cầu Thái Hà và BOT cầu Văn Lang. 2 dự án cần được sửa đổi hợp đồng, bổ sung khoảng 1.557 tỷ đồng vốn Nhà nước để tiếp tục duy trì.

Nhóm 2 là dự án BOT hầm Đèo Cả. Do phương án sử dụng nguồn thu phí trên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan để hỗ trợ nhà đầu tư BOT đã không thể thực hiện, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước bố trí 2.280 tỷ đồng để hỗ trợ nhà đầu tư.

Nhóm 3 là 5 dự án phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn gồm BOT cầu đường sắt Bình Lợi; Đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; BOT quốc lộ 91; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới; BOT nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk. Nhà nước sẽ phải bố trí 6.813 tỷ đồng để mua lại 4 dự án BOT này.

PV

Nguồn: dangcongsan.vn