Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo cho các quốc gia đang phát triển Đông Á, trong đó nhận định đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Á trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương WB cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng thể hiện mối liên kết giữa đổi mới sáng tạo và năng suất cao hơn. Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, đã tạo động lực để các chính phủ trong khu vực hành động khẩn trương, thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo bằng cách đưa ra các chính sách tốt hơn”.

Các quốc gia đang phát triển ở Đông Á được đề cập trong nghiên cứu này bao gồm 10 nước có thu nhập trung bình: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Theo báo cáo, các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á đã có những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng bền vững và giảm nghèo. Nhưng khi tăng năng suất có dấu hiệu chững lại, thương mại toàn cầu gặp nhiều bất ổn và công nghệ tiến bộ nhanh chóng, để duy trì tăng trưởng kinh tế, các quốc gia cần phải chuyển đổi sang những hình thức sản xuất mới và tốt hơn.

Để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách giải quyết thách thức này, báo cáo xem xét tình hình ứng dụng đổi mới trong khu vực, phân tích những hạn chế chính mà các doanh nghiệp gặp phải và đưa ra chương trình hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo của WB, mặc dù khu vực Đông Á là cái nôi của nhiều nhân vật nổi bật trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhưng dữ liệu từ báo cáo rằng cho thấy trừ trường hợp Trung Quốc, các nước trong khu vực đổi mới sáng tạo ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng dành cho các quốc gia có mức thu nhập bình quân tương tự. Hầu như các công ty còn chưa đạt tới ranh giới công nghệ cao. Và khu vực này đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến về độ phủ và cường độ sử dụng công nghệ mới.

Chuyên gia kinh tế Xavier Cirera, một trong những tác giả chính của báo cáo cho biết, bên cạnh một số ví dụ đáng chú ý, đại đa số các công ty trong tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á hiện không tìm tòi đổi mới. Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng - hỗ trợ một lượng lớn các công ty áp dụng các công nghệ mới, đồng thời cho phép các công ty đã đạt trình độ phát triển cao thực hiện các dự án đòi hỏi hàm lượng sáng tạo lớn.

Ba khó khăn, thách thức của Việt Nam

Tham gia trực tuyến buổi công bố báo cáo này của WB, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ 3 khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới sáng tạo và thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đó là: Nguồn lao động đông đảo, dồi dào, vừa là một lợi thế nhưng cũng là hạn chế khi nguồn lao động này lại thiếu chuyên môn sâu và trình độ công nghệ cao để có thể chủ động áp dụng được đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu muốn đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế vĩ mô và cơ cấu kinh tế nội ngành toàn diện gắn với giáo dục. Những chính sách này đòi hỏi Việt Nam phải có một quãng thời gian khoảng 10-15 năm.

Hơn nữa, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, chưa có đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Vì vậy, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp gắn với đổi mới công nghệ và thị trường là thách thức lớn thứ hai của Việt Nam trong thời gian tới.

Cuối cùng là những bất cập tồn tại trong việc triển khai các hiệp định thương mại song phương, đa phương đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp nhận thức được và tham gia vào chuỗi toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, báo cáo của WB có thể làm cơ sở khuyến nghị 3 giải pháp cho Việt Nam theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất là cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo công nhân và những người lao động có tay nghề đáp ứng được với công nghệ mới và gắn việc đào tạo công nhân có tay nghề với các nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng kết cầu hạ tầng và phát triển thị trường vốn để cung ứng cơ sở đầu vào cho doanh nghiệp. Thứ ba là sửa đổi khung pháp lý và cơ chế, có những chính sách đặc thù để các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm thay đổi mọi mặt của đời sống, hoạt động kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đang đi theo 2 hướng: Vốn, ngân sách Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế, về tiếp cận thị trường... để huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội nhằm đổi mới công nghệ, tham gia thị trường.

Hoàng Giang

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Ba-thach-thuc-cua-Viet-Nam-trong-doi-moi-sang-tao/424320.vgp