Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Xin bà cho biết đôi nét về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Hà Nội thời gian qua?

Bà Trần Thị Phương Lan: Trong chiến lược phát triển thương mại điện tử, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 100% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm; 85% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng, nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 95% các siêu thị có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng để lại không ít thách thức, khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Cụ thể như lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, về hành vi quảng cáo lừa dối, về an toàn trong thanh toán trực tuyến, hoặc các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin giao dịch…

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc việc mua bán hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử “lên ngôi”. Nhưng bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn uy tín, vẫn có rất nhiều đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng nhái. Trong khi nhận thức của các tổ chức và cá nhân kinh doanh cũng như người tiêu dùng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ khiếu nại của người tiêu dùng còn rất thấp so với các vụ vi phạm được phát hiện.

Điều này, một phần vì tâm lý ngại đụng chạm đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh, nhưng một phần do bản thân người tiêu dùng chưa ý thức được quyền của mình trước các nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để khiếu nại. Nhiều trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, không biết khiếu nại ở cơ quan đơn vị nào.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Cùng với sự phát triển về kinh tế trong những năm qua, lãnh đạo Thành phố đã có nhiều quan tâm tới công tác xã hội, trong đó có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính trong nước, Hà Nội đã ban hành những kế hoạch triển khai “Ngày quyền của người tiêu dùng”, chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt triển khai công tác kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn…

Thực hiện chủ đề năm 2020 là “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, Hà Nội đã có những hoạt động thiết thực gì để bảo vệ người tiêu dùng, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Năm 2020, Bộ Công Thương chỉ đạo tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lĩnh vực thương mại điện tử. Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều chương trình, lớp tập huấn phổ biến cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm đến quyền lợi của mình; xây dựng đường dây nóng để  người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp đến Sở Công Thương cũng như Cục Quản lý thị trường Hà Nội để nắm bắt, xử lý ngay.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Công Thương đã có công văn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng như hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, giảm giá, có các chương trình khuyến mại và hoạt động tri ân khác.

Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp có website thương mại điện tử, các ngân hàng thương mại hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng các hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Năm 2020, chương trình “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” của Hà Nội còn gắn kết với các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật nhằm đẩy mạnh đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi sâu vào đời sống, giúp người tiêu dùng không chỉ nắm chắc được 8 quyền, mà còn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia mua sắm hàng hóa, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.

Trong thời gian tới, Hà Nội nói chung và Sở Công Thương nói riêng sẽ có những giải pháp nào nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Hiện nay, việc tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng còn hạn chế do người tiêu dùng vẫn ngại phản ánh khi mua những sản phẩm không đúng với chất lượng hoặc giá cả; người tiêu dùng cũng không lưu trữ được hóa đơn, chứng từ để phản ánh những doanh nghiệp làm ăn không đúng hoặc những cửa hàng, doanh nghiệp bán sản phẩm không đúng quy định.

Do đó chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người tiêu dùng cần thông thái, khi mua sắm sản phẩm phải quan tâm đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giá cả phải được niêm yết rõ ràng. Đồng thời, lưu giữ hóa đơn chứng từ để khi xảy ra sản phẩm hàng hóa không bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì có thể phản ánh; đưa đầy đủ chứng cứ đến các cơ quan quản lý nhà nước; để xem xét, xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định hiện hành.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách rộng rãi trong toàn xã hội. Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm về quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ, biện pháp để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện để triển khai hiệu quả công tác bình ổn thị trường, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn. Điều này không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của người dân mà còn tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thùy Linh (thực hiện)

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Bai-3-Tao-moi-truong-kinh-doanh-tieu-dung-lanh-manh/415268.vgp