Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ

Phát biểu khai mạc Toạ đàm Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ngày 28/10, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đã duy trì các tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân như: Có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; Thực hiện kịp thời công tác kiểm tra phân bổ vốn chi tiết của các bộ, ngành, địa phương.

Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết, sau đó cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Thông tin về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách trung ương (54,9%) đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp (50,8%).

Kết quả trong 10 tháng đầu năm 2024, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước...

Theo đánh giá của đai diện Vụ Đầu tư, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều. Một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.

Theo ông Dương Bá Đức, một số điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hàng tháng. Theo đó, đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách (thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa; thiếu các định mức chi phí đối với các dự án không có cấu phần xây dựng; vướng mắc trong các quy định về quản lý đầu tư công, cơ chế đấu thầu,...); vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

Quyết liệt vào cuộc

Là đơn vị được giao số vốn đầu tư công khá lớn, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10/2024, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Theo báo cáo của các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, Bộ Giao thông vận tải dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.

Những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải được ông Nguyễn Anh Dũng nêu ra như: Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án. Cùng với đó, về vật liệu xây dựng, thời gian vừa qua được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ đã giảm bớt nhiều thủ tục, tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án; thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo. Đặc biệt, thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Còn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình xây dựng cho biết, tại Bộ này có các dự án, công trình rất đa dạng như: đê điều, chăn nuôi trồng trọt, chuồng trại, ao hồ… Qua 9 tháng năm 2024, về cơ bản các dự án được triển khai đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ, một số dự án đã đẩy nhanh được tiến độ kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất; hoàn thành 2/3 dự án đầu tư do Bộ thực hiện và 46/46 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai do các địa phương thực hiện đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ của chương trình. Giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước. Kết quả giải ngân đến nay đạt 66% vốn kế hoạch được giao cả năm 2024.

Theo Vụ trưởng Dương Bá Đức, trên cơ sở nhận diện được các vướng mắc, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích để có các chỉ đạo kịp thời. Cùng với đó, với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024 như: công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, chương trình mục tiêu quốc gia gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án.

Bộ Tài chính cũng chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương. Qua đó, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền và đôn đốc tới các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Về phía Kho bạc Nhà nước, bà Lương Thị Hồng Thuý - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã ban hành 1 công điện, 5 văn bản để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, toàn hệ thống cũng đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với Kho bạc nhà nước 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.

Góp ý tại Toạ đàm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết, năm 2024 có nhiều ấn tượng trong giải ngân vốn đầu tư công, điển hình phải kể đến dự án đường dây 500 KV mạch 3 khi trong vòng 6 tháng đã tuyên bố hoàn thành với tiến độ khủng khiếp, nếu không giải ngân tốt thì không làm được. Ngoài ra, tốc độ triển khai Dự án sân bay Long Thành cũng ấn tượng. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác đó là trong một hệ thống, cùng cơ chế chính sách nhưng tốc độ giải ngân của mỗi một địa phương, bộ ngành lại khác nhau. Chính vì vậy, cần “mổ xẻ” nguyên nhân để từ đó tìm ra những bài học quý giá cho công tác xây dựng chính sách cũng như thực thi trong thời gian tới.

Tại Toạ đàm, đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) mong các bộ, ngành địa phương coi vệc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, tập trung cả hệ thống chính trị để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong những tháng cuối năm 2024.

Theo https://tapchitaichinh.vn/tim-giai-phap-day-manh-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html