Ngày 26/9 vừa qua, theo lãnh đạo Phòng An ninh chính trị Nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi bị cơ quan công an phát hiện và làm việc, những trường hợp trên đều thừa nhận hành vi của mình, mục đích nhằm kiếm được công việc ổn định.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: Sự việc này gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín, đạo đức của ngành giáo dục và phải thừa nhận thực tế giấy tờ, bằng cấp bị làm giả mạo đã và vẫn đang là một thực trạng xã hội đáng báo động tại nước ta.

Những năm gần đây, lực lượng công an trên cả nước liên tục triệt phá, bóc gỡ các đường dây sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả. Nhiều người sử dụng bằng giả cũng đã bị xử lý, song thị trường mua bán bằng cấp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ vẫn nhộn nhịp. Rõ ràng, hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả” là trái quy định pháp luật nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi.

Viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập có thể xem xét áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc (Ảnh minh họa)

Xét về góc độ pháp lý, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu như chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo căn cứ Khoản 3 và Khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, nếu vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Ngoài ra, tại Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, cơ quan chức năng có thể xem xét áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập.

Cũng theo Luật gia Lê Thị Thu Nga, nếu cá nhân nào trong các trường hợp vi phạm nói trên là đảng viên thì còn bị xem xét kỷ luật theo Điểm d Khoản 3 Điều 11 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Tới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ tiếp tục vào cuộc rà soát tổng thể việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ... trong các cơ quan, trường học trên địa bàn./.

Anh Tuấn
Theo https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/can-co-che-tai-manh-de-xu-ly-hanh-vi-su-dung-giay-to-gia-592158.html