Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định,  chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại chúng ta chứng kiến thế giới thay đổi nhiều và nhanh như vậy.

Chính trong thách thức của đại dịch COVID-19, Việt Nam được quốc tế công nhận đã nhanh chóng có hành động ứng phó hiệu quả.  Mọi người đã được chứng kiến khả năng bền bỉ duy trì việc làm cho người lao động, nỗ lực phục hồi, tái cấu trúc mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) để vượt qua khủng hoảng, cùng sự đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, giữa Chính phủ, DN, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Thời gian này, Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với 2 cuộc chiến đó là chống dịch bảo vệ sinh mạng người dân và chuộc chiến duy trì sinh kế cho nhân dân. Trong đó, cần thẳng thắn cho rằng, nguy cơ suy giảm kinh tế gây ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều. Chính phủ đã có sự tôn vinh đúng mức với DN, doanh nhân, những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận kinh tế, có tầm quan trọng không kém các y, bác sĩ trên mặt trận chống dịch. 

“Về phía mình, có nhiều DN Việt thấu hiểu là trong bối cảnh tình hình ngân sách rất khó khăn, do đó, các DN không nên chú ý đến việc "xin tiền", cái DN cần hơn lúc này là cơ chế. Đẩy nhanh cải cách thể chế chính là giúp DN có thêm vũ khí mới để tăng tốc trên mặt trận kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, các cấp công đoàn tích cực cùng cả hệ thống chính trị, người sử dụng lao động phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người lao động, nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người lao động, động viên người lao động chung tay nỗ lực vượt khó, thực hiện “mục tiêu kép”, để có việc làm bền vững và thu nhập ổn định, giúp DN đứng lên sau COVID-19.

Đại diện cho đơn vị khởi xướng sáng kiến Diễn đàn, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đánh giá, điểm quan trọng là ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, Chính phủ đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, cùng với đó là sự tham gia hưởng ứng của toàn dân đã giúp hoạt động phòng chống dịch hiệu quả.

Chính việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã giúp cho Tổ hợp Samsung tại đây trở thành "cứ điểm" sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung trên thế giới có thể duy trì sản xuất ổn định và đảm bảo hoạt động xuất khẩu.

Lãnh đạo Samsung Việt Nam đồng tình với mục tiêu của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Trong thời gian dịch COVID-19, bên cạnh việc duy trì các chế độ phúc lợi và nỗ lực thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên và cộng đồng địa phương, Samsung vẫn luôn  bảo đảm việc làm cho toàn bộ nhân viên.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Mới đây, Samsung Việt Nam đã vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng dành cho DN tiêu biểu vì người lao động, đồng thời cũng giữ vị trí số 1 trong danh sách các nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới do Forbes Mỹ tổng hợp. Điều này ghi nhận cho nỗ lực của Samsung trong việc thực hiện những cam kết và trách nhiệm của mình trên cơ sở đặt sức khỏe và an toàn của người lao động lên trên hết, đúng theo phương châm “con người là ưu tiên số 1” ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. 

Là đơn vị sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu với nhân lực 130 nghìn nhân viên, Samsung Việt Nam thấy rằng việc chia sẻ những bài học và kinh nghiệm trong đối phó với đại dịch COVID-19 là điều vô cùng quan trọng.

“Hy vọng Diễn đàn đa phương 2020, cùng với các sáng kiến ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới trong thời gian qua và tới đây sẽ góp phần truyền cảm hứng cho các bên liên quan ngày một gắn kết, mạnh mẽ, bền bỉ và sắc bén hơn đối với các khủng hoảng tương tự có thể xảy ra trong tương lai”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói.

Diễn đàn này là một sáng kiến của Tổ hợp Samsung Việt Nam, bắt đầu được tổ chức thường niên tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các DN để góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dù tại Việt Nam, dịch đã và đang được kiểm soát tốt, song nguy cơ lây nhiễm vẫn còn hiện hữu. Thách thức chưa từng có từ đại dịch COVID-19 đã làm bật lên tầm quan trọng của các giá trị của “đồng thịnh vượng” và “ứng phó với khủng hoảng theo cách có trách nhiệm xã hội”.

Tại các phiên, các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề ứng phó một cách có trách nhiệm xã hội trước khủng hoảng, nơi các giải pháp đặt con người vào vị trí ưu tiên số một cùng với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ. Diễn đàn đa phương 2020 được kỳ vọng sẽ góp phần vào các nỗ lực chung cho tiến trình hồi phục sau đại dịch và cách thức ứng phó có trách nhiệm với các cuộc khủng hoảng có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai. Trước đó, tại Diễn đàn năm 2018 và năm 2019 đã tập trung vào các chủ đề “Bình đẳng giới” và “Nâng cao quyền năng phụ nữ tại nơi làm việc trong thời đại công nghiệp 4.0”.

Huy Thắng
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chia-se-kinh-nghiem-quan-tri-co-trach-nhiem-ung-pho-voi-dich-COVID19/412391.vgp