Sở Công Thương TPHCM đang phối hợp với chính quyền địa phương, các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối hỗ trợ tối đa cho thương nhân hoạt động, chuẩn bị cho kế hoạch mở lại hệ thống phân phối truyền thống khi thành phố chuyển sang trạng thái "bình thường mới" -  Ảnh minh họa
Về lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống, Sở Công Thương TPHCM cho biết, kế hoạch của Thành phố là sau ngày 30/9 sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

TPHCM cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn theo lộ trình ban đầu là 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ Tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TPHCM ban hành.

Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà các quận, huyện, TP. Thủ Đức sẽ xây dựng lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống. Việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cơ quan này cho rằng, việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Hàng hóa dồi dào, sức mua giảm

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, đến nay, do hầu hết các tỉnh, thành phố đã nới lỏng điều kiện giãn cách từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 nên đường đi của hàng hóa từ vùng nuôi trồng, nhà máy sản xuất về TPHCM đã được khai thông gần như hoàn toàn. Thành phố cũng đã đưa vào hoạt động 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối và thị trường bên ngoài, giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho thị trường Thành phố, giảm giá thành nhiều loại nông sản, thực phẩm giảm mạnh.

Nếu trong thời điểm cuối tháng 8/2021, giá cả các loại rau củ trung bình từ 40.000-60.000 đồng/kg tùy mặt hàng thì nay chỉ còn khoảng 25.000-40.000 đồng/kg. Đơn cử, bắp cải có giá 30.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 30.000 đồng/kg, khoai mỡ 35.000 đông/kg, khoai lang giống Nhật 30.000 đồng/kg, giá 25.000 đồng/kg, rau muống 20.000-25.000 đồng/kg. Các loại hải sản như tôm có giá từ 180.000-250.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), mực sữa 120.000-150.000 đồng/kg, mực ống 200.000-240.000 đồng/kg, gà nguyên con 120.000-150.000 đồng/kg, vịt cỏ nguyên con 100.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, với các mặt hàng trái cây, do các tỉnh, thành phố phía nam, ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ nhiều chủng loại nên sản lượng nhiều, giá giảm.

Để tạo đầu ra cho các loại nông sản khi các chợ đầu mối tại TPHCM ngừng hoạt động, các tỉnh, thành phố cũng đã thúc đẩy các hoạt động kết nối cung cầu với TPHCM trong bối cảnh thực hiện giãn cách để phòng chống dịch. Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện kết nối với hình thức mới như cung cấp các combo hàng nông sản cho người dân thành phố. Các combo kết hợp 5 loại nông sản có trọng lượng 10 kg/túi, giá từ 100.000 đồng cho đến 150.000 đồng/túi, ngoài rau, củ còn có thêm trứng; combo túi từ 200.000-400.000 đồng gồm rau, củ, quả thêm trứng, thịt, cá, nông sản chế biến…

Hệ thống các siêu thị cũng đang tích cực nâng cao hiệu quả kênh mua sắm gián tiếp thông qua hình thức bán hàng qua điện thoại, website, ứng dụng của công ty và các nền tảng mua sắm trực tuyến, các hãng công nghệ... để tăng sức mua. Mới đây, một số doanh nghiệp bán lẻ đã ký kết thêm với các đơn vị vận chuyển nhằm tăng cường khả năng tiếp nhận đơn hàng, xử lý và giao hàng nhanh chóng hơn.

Mặc dù giá cả giảm, hàng hóa dồi dào nhưng Sở Công Thương TPHCM nhìn nhận, hiện lượng hàng hóa các tỉnh, thành phố về 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối còn hạn chế, sức mua tại các chợ đầu mối chậm. Lâu nay, hàng hóa tập trung về 3 chợ đầu mối để luân chuyển về tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Gần như 100% chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động nên đầu ra cho hàng hóa tại chợ đầu mối gặp khó khăn, sản lượng hàng hóa mua bán giảm, sức tiêu thụ chậm, chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn tập thể, bếp ăn từ thiện.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều thương nhân tại các chợ đầu mối chưa muốn ra kinh doanh. Các quy định về phòng, chống dịch để được hoạt động tại các điểm tập kết hàng hóa ở chợ đầu mối khá chặt chẽ cũng là một trở ngại khiến thương nhân, người lao động chưa mặn mà quay lại chợ.

Được biết, Sở Công Thương TPHCM đang phối hợp với chính quyền địa phương, các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối hỗ trợ tối đa cho thương nhân hoạt động, chuẩn bị cho kế hoạch mở lại hệ thống phân phối truyền thống khi Thành phố chuyển sang trạng thái "bình thường mới".

Phan Trang
Theo http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Cho-truyen-thong-tai-TPHCM-san-sang-mo-cua-tro-lai/447866.vgp