Cụ thể, TAND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa xét xử vụ án mua bán, tàng trữ và vận chuyển 4 quả trứng Vích. Theo đó hai bị cáo cùng trú tại Côn Đảo là Lương Kiều Tính (sinh 1980) lãnh 1 năm tù và Phạm Anh Tuấn (sinh 1997, tài xế taxi) lãnh 1 năm tù nhưng được hưởng án treo.

Hai du khách là Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh 1975, trú thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị phạt 500 triệu đồng và Lê Thị Chi (sinh 1992, trú Quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 550 triệu đồng. Hai du khách này đã mua và cất 4 quả trứng Vích vào va ly cá nhân để ra sân bay rời Côn Đảo. Nhưng an ninh sân bay phát hiện nên báo với các cơ quan chức năng để xử lý.

Hình ảnh: Mua bán trứng Vích là vi phạm pháp luật số 1

Các cơ quan chức năng niêm phong 4 quả trứng Vích là tang vật của vụ án. (Ảnh: TH)

Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hình sự nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trứng Vích và bộ phận của Vích.

Điển hình như năm 2017, TAND huyện Côn Đảo tuyên phạt 10 tháng 17 ngày tù đối với một người vận chuyển 116 trứng Vích. Ngoài ra hai người khác cũng phạt cải tạo không giam giữ và một người khác bị phạt 50 triệu đồng vì buôn bán, vận chuyển 30 quả trứng Vích.

Mới đây nhất, tháng 1/2024, TAND huyện Côn Đảo cũng tuyên phạt một người 30 tháng tù vì tàng trữ 29 quả trứng Vích bằng cách ngâm rượu.

Vích (hay còn gọi là Rùa xanh, Rùa biển) có tên khoa học là Chelonia mydas, là một trong 7 loài rùa biển, hiện còn xuất hiện và sinh sản tại Côn Đảo. Huyện Côn Đảo là bãi đẻ chủ yếu của 90% Vích tại Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, Vích là động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, nội dung quy định tại STT 88 Mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 64/2019/NĐ-CP Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ghi rõ Vích thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về "Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm", người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với cá nhân buôn bán trái phép trứng Vích, thịt Vích thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm".

Du khách khi du lịch đến Côn Đảo cần lưu ý quy định này để tránh những rắc rối pháp lý không đáng có liên quan đến việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trứng Vích và bộ phận của Vích./.

TL

Nguồn: dangcongsan.vn