Trong tháng 5/2024, trái phiếu ngân hàng chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành, tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, ngược với tình trạng “đóng băng” trong 3 tháng đầu năm. Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp 2 tháng qua là: Techcombank, BIDV, MB, HDBank, MSB, Shinhan Việt Nam…

Lãi suất tăng, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Trước tình hình mặt bằng lãi suất huy động vốn đi lên ngày càng rõ ràng hơn và trở thành xu hướng, hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất trở lại trong hơn 2 tháng qua nhằm giữ chân khách hàng tiền gửi. Trong bối cảnh giá vàng và giá ngoại tệ tăng mạnh mẽ, chiến lược tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để hạn chế rủi ro chi phí vốn đối mặt áp lực gia tăng trong giai đoạn tới của các ngân hàng là có thể hiểu được.

Trong gần nửa tháng 6, đã có 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó 8 ngân hàng trả lãi suất từ 6%/năm gồm: MSB, HDBank, Woori Bank Việt Nam, PVCombank, ABBank, OCB, Oceanbank, BVBank. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi kỳ hạn từ 15 tháng trở lên và kèm theo điều kiện về số tiền gửi theo quy định của mỗi ngân hàng.

Dù đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng có thể nói, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn đang ở vùng thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài ngay từ thời điểm này được xem là chiến lược phù hợp.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), có gần 17.000 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu đã chảy vào doanh nghiệp trong tháng 5/2024. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu về phát hành trái phiếu.

Ngoài việc tận dụng mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu đang ở mức rất thấp, các ngân hàng còn có thể hạn chế bớt thách thức chi phí vốn đầu vào có thể gia tăng trong thời gian tới một khi lãi suất huy động vẫn được các chuyên gia dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Chẳng hạn, trong tháng 5, HDBank phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4,8%/năm; BacABank huy động 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,1%/năm; Techcombank huy động 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4,8%/năm; BIDV huy động kỳ hạn 7 năm với lãi suất 3,6%/năm; MSB huy động kỳ hạn 3 năm lãi suất 3,9%/năm…

Còn theo báo cáo thị trường trái phiếu tháng 5 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), lũy kế từ đầu năm, đối với ngành ngân hàng, các nhà băng đã tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu, với tổng giá trị phát hành đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35%. Cùng kỳ năm 2023, giá trị phát các ngân hàng là 400 tỷ đồng. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm.

Phát hành trái phiếu sẽ khởi sắc hơn

Theo lý giải của các chuyên gia, mặc dù thanh khoản ngân hàng chưa xảy ra tình trạng căng thẳng, nhưng đa phần là tiền gửi kỳ hạn ngắn, các ngân hàng vẫn đứng trước áp lực huy động vốn kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2.

Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III.

Điểm khác biệt của trái phiếu ngân hàng là lãi suất thấp, nhưng rủi ro thấp do việc phát hành được tuân thủ quy định chặt chẽ theo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước giám sát. Các tổ chức tín dụng có trái phiếu đến hạn đều hoạt động có lãi. Đáng chú ý, có gần 99% trái phiếu ngân hàng được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức (chủ yếu là các định chế tài chính).

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. 

“Nhu cầu phát hành mới đáng kể từ khối ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp phần lớn giá trị phát hành trong năm 2024. Phát hành mới của khối ngân hàng đóng góp tới 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong năm 2023. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn của mình. Ngoài ra, hàng năm ngân hàng thường phải phát hành mới đủ để bù đắp lượng trái phiếu mua lại và đáo hạn trong năm. Chúng tôi cho rằng, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn”, ông Nguyễn Đình Duy, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hầu hết ngân hàng có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm bổ sung nguồn vốn nợ, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn
Theo https://tapchitaichinh.vn/cuoc-dua-phat-hanh-trai-phieu-ngan-hang-lai-soi-dong.html