Từ 15h ngày 21/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 2.710 đồng/lít, xuống còn 25.070 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít, xuống còn 26.070 đồng/lít. Đây là lần giảm mạnh nhất của giá xăng từ đầu năm.
Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống tương đương mức giá vào tháng 2.
Tuy nhiên, so với đầu năm, xăng RON 95 vẫn đắt hơn 2.200 đồng/lít, xăng E5 RON 92 cao hơn 1.900 đồng/lít và dầu diesel chênh lệch gần 6.600 đồng/lít...
Là ngành chịu tác động trực tiếp từ "bão" giá xăng, dầu và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh khác, vận tải được trông chờ có động thái tích cực đầu tiên khi giá xăng, dầu giảm.
Vận tải hàng hóa giảm chậm, taxi không giảm
Tuy nhiên, sau 2 phiên giá xăng, dầu giảm mạnh liên tiếp, hiện giá cước vận tải hàng hóa đường bộ vẫn giữ nguyên, nếu có thì chỉ một số doanh nghiệp thực hiện giảm giá để cạnh tranh với đơn vị khác.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ doanh nghiệp vận tải Ngọc Anh chạy tuyến Hà Nội-Quảng Ninh-Lào Cai cho biết, giá cước vận tải của doanh nghiệp hiện nay vẫn giữ ở thời điểm điều chỉnh giá vào tháng 3. Bởi thời điểm doanh nghiệp điều chỉnh giá cước làm hồ sơ đề nghị tăng giá dịch vụ vận tải, giá xăng, dầu chỉ khoảng hơn 26.000 đồng/lít, tương đương với mức giá hiện nay sau 2 lần giảm liên tiếp.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, hiện doanh nghiệp cũng chưa nhận được ý kiến của khách hàng về việc phải giảm giá cước theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng hy vọng, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng các biện pháp bình ổn giá xăng, dầu, giá nhiên liệu sẽ tiếp tục giảm về mức năm 2021 để có thể điều chỉnh hạ giá cước vận tải.
Đại diện Công ty xe du lịch Xuân An cho biết, sau khi giá xăng giảm, doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh giá cước theo giá xăng. Cách tính giá cước của doanh nghiệp dựa theo chi phí xăng, dầu theo số km xe chạy trong từng chuyến đi, áp dụng tuỳ từng loại xe.
Chẳng hạn, loại xe 29 chỗ, 35 chỗ, 45 chỗ tương ứng với lượng xăng cần để chạy trên 100 km lần lượt là 18 lít, 25 lít, 30 lít. Trường hợp khách hàng thuê xe 45 chỗ, nếu như trước đây giá xăng, dầu đạt 30.000 đồng/lít, khách thuê xe sẽ cần trả chi phí 900.000 đồng cho chuyến đi 100 km. Tuy nhiên, với giá xăng, dầu giảm như hiện nay thì chi phí thuê xe này chỉ còn 840.000 đồng.
Một chủ xe hợp đồng loại 5 chỗ ngồi cho biết, ngay khi giá xăng giảm, một số khách hàng có nhu cầu thuê xe hợp đồng cũng đề nghị được giảm giá cước: "Chiều lòng khách hàng và sau khi cân đối các chi phí hiện nay cho giá mỗi chuyến đi, tôi đều giảm trung bình từ 50.000-100.000 đồng/chuyến, tuỳ theo khoảng cách chuyến đi".
Là người thường xuyên di chuyển bằng taxi, chị Thu Phương (Bà Triệu, Hà Nội) cho biết, hiện đi taxi G7 với giá cước mở cửa là 20.000 đồng cho 1,3 km đầu tiên. Km tiếp theo đến km 20 giá 15.000 đồng/km. Giá km 21 trở đi hãng tính 12.500 đồng/km. Mức giá này có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (giá cước mở cửa là 20.000 cho 1,48 km đầu tiên).
Qua khảo sát xe khách các tuyến Hà Nội-Thái Bình, Hà Nội-Nam Định và các tuyến xe khách xuất phát từ Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía bắc, miền Trung, giá cước vẫn chưa có gì thay đổi. Tương tự, các loại hình taxi, xe công nghệ cũng chưa có tín hiệu điều chỉnh giá cước.
Chưa giảm giá do thủ tục rườm rà
Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý G7 taxi (Taxi G7) cho biết, trong giai đoạn vừa qua, xăng dầu tăng giá liên tục nhưng giá cước taxi thì đã ổn định từ 3-4 năm nay. Ngay từ khi ra đời (tháng 11/2018) trên cơ sở hợp nhất một số hãng taxi trên địa bàn Thủ đô, Taxi G7 đã áp dụng mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung nhằm tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải taxi muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình. Mỗi lần điều chỉnh giá cước trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai, do phải trải qua các công đoạn, như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền. Chưa kể chi phí cho việc kiểm định này không nhỏ, với mức phí 100.000 đồng/đồng hồ.
“Theo kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, giá xăng dầu khi giảm thì rất thấp, nhưng một khi tăng lại rất cao, trong khi lộ trình thay đổi giá cước vận tải thủ tục rườm rà, chi phí cao, cần nhiều nhân công mà doanh thu không có, nên trước khi quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước, các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng”, ông Nguyễn Công Hùng chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, từ đầu năm đến tháng 6, khoảng 500 lượt xe xuất bến mỗi ngày đã không tăng giá vé. Hiện tại, sau khoảng 1 tuần giá xăng giảm 20%, bến xe cũng chưa ghi nhận doanh nghiệp vận tải xe khách liên tỉnh nào thông báo điều chỉnh giá.
Cước vận tải biển hạ nhiệt
Giá cước vận tải đường biển đang "hạ nhiệt" khi chuỗi cung ứng toàn cầu bớt căng thẳng. Theo các doanh nghiệp, giá cước từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu... đã giảm 30-40% so với mức giá đỉnh năm 2021. Tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã thuyên giảm, không căng thẳng như trước.
Hiện giá thuê một container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ có thời điểm lên tới 21.000 USD, nhưng hiện tại vào khoảng 8.000-11.000 USD.
Còn theo dữ liệu của doanh nghiệp cung cấp cước trực tuyến Freightos cho thấy, cước vận tải từ các nước châu Á (trong đó có Việt Nam) đi châu Mỹ và Bờ Tây nước Mỹ đã giảm hơn 30% trong tháng 5, xuống 10.762 USD/FEU và giá đi Bờ Đông giảm 20% xuống 13.796 USD/FEU. Tuy mức giá giảm, nhưng vẫn cao hơn 35% so với năm trước.
Ông Nguyễn Tương, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng nhìn nhận, hiện giá cước đã giảm, nhưng vẫn cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm.
Phan Trang
Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/cuoc-van-tai-duong-bo-van-cho-gia-xang-dau-giam-tiep-102220727193148502.htm