Ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị thông báo văn hóa 2020 với chủ đề “Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: Lý luận, thực tiễn và vấn đề chính sách."
Diễn đàn là nơi để các nhà nghiên cứu trình bày và thảo luận những kết quả nghiên cứu về đa dạng văn hóa ở các tộc người, vùng miền ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho biết Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với sự đa dạng các truyền thống, sắc thái văn hóa khác nhau. Sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa như nếp sống, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, ẩm thực, tri thức địa phương... Sự đa dạng, phong phú của các thực hành và biểu đạt này là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại bền vững, giàu tính bản sắc và nhân văn của các tộc người.
Chính vì vậy, Hội nghị này tập trung thảo luận các vấn đề về lý luận về đa dạng văn hóa; các chính sách của Việt Nam và các nước trên thế giới về đa dạng văn hóa; các dạng thức biểu đạt văn hóa của các tộc người và nhóm tộc người ở Việt Nam trước đây và hiện nay; vấn đề bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh đương đại, đặc biệt là các giải pháp chính sách và hành động thực tiễn.
Bàn về cách nhìn bản sắc văn hóa tộc người ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học, cho biết bản sắc văn hóa tộc người ở Việt Nam gắn với văn hóa truyền thống thể hiện qua việc hiện nay tỷ lệ người dân tộc sinh hoạt theo lối truyền thống tăng lên như ở nhà truyền thống; biết múa điệu múa truyền thống; biết hát các bài ca truyền thống; biết sử dụng nhạc cụ truyền thống, trên 15 tuổi đọc, viết được chữ của dân tộc mình...
Ngoài ra, bản sắc văn hóa tộc người ở Việt Nam cũng đồng nhất với ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác, nhưng chỉ có thể biểu hiện một cách rõ ràng trong bối cảnh không gian cụ thể.
Chia sẻ về sự đa dạng văn hóa dân tộc thiểu số theo cách tiếp cận của người trọng cuộc, giảng viên Trần Quốc Hùng (Học viện Dân tộc thuộc Ủy ban dân tộc) nhấn mạnh trong các thực hành văn hóa của các nhóm, những thực hành văn hóa và sinh kế như canh tác nương rẫy, chữa bệnh, kéo vợ, thách cưới, đổi công, gánh nước sau cưới... tuy có thể là "lạ," là "không bình thường" đối với người ngoài tộc, song chúng luôn có những giá trị và tính lôgíc nào đó trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa tâm linh của các nhóm hoặc tộc người chủ thể.
Tương tự như vậy, nếu nhìn từ quan điểm của nhiều tộc người thiểu số, đặc biệt là của các tộc người có tập tục "đào sâu, chôn chặt” người đã khuất, thì việc bốc mộ-sang cát có thể là một tập tục "không bình thường,” là “lạ,” là “mất vệ sinh." Tuy nhiên, nhìn từ hệ giá trị của người Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đây là một tập tục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tham gia thảo luận và đề xuất các chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị của đa dạng văn hóa ở Việt Nam trong những năm qua./.
Theo TTXVN