Bảng giá năng lượng kết thúc ngày giao dịch 30/3.
Lực mua vẫn áp đảo thị trường trong phiên sáng và được củng cố nhờ lo ngại nguồn cung, khi mà số liệu từ Viện Dầu khí độc lập Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 6,1 triệu thùng. Những rủi ro về nguồn cung tại khu vực Iraq tiếp tục gia tăng, khi mà một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Kurdistan đã bắt đầu giảm sản lượng khi bất đồng giữa chính phủ khu vực và Baghdad kéo dài. Sản lượng của Iraq cũng có nguy cơ sụt giảm 200.000 thùng khi mà gián đoạn dòng chảy xuất khẩu qua Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 400.000 thùng/ngày. Đà tăng suy yếu dần về phiên chiều ngay cả khi dòng tiền không phân bổ vào các tài sản trú ẩn.
Sức ép bán bắt đầu áp đảo sau báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 7,5 triệu thùng, cao hơn so với cả mức dự báo và số liệu của API. Tồn kho xăng giảm 2,9 triệu thùng và cũng mạnh hơn so với ước tính trước đó, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng nhẹ 281.000 thùng.
Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng giảm nhẹ 100.000 thùng về 12,2 triệu thùng trong tuần trước, tuy nhiên, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đ về nhu cầu, đã tăng lên 20,48 triệu thùng và cao hơn cả mức trung bình bốn tuần là 19,87 triệu thùng.
Các số liệu về nguồn cung không mang lại nhiều hỗ trợ cho giá, tuy nhiên việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ ghi nhận mức giảm về lần lượt 4,58 triệu thùng và 6,04 triệu thùng đã khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ tại các đối tác của Mỹ.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Dallas công bố hôm qua cho thấy hoạt động của các công ty sản xuất dầu suy yếu trong quý I/2023. Chi phí sản xuất gia tăng cùng với triển vọng tiêu thụ thiếu chắc chắn do rủi ro vĩ mô chung của nền kinh tế đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất dầu.
Dòng tiền vào các thị trường tài chính nói chung khá yếu trong các phiên của tuần này, cùng với tâm lý thận trọng gia tăng trước thềm chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và GDP quý I của Mỹ được công bố khiến cho sức bán càng được gia tăng về cuối phiên.
Ngành cà phê Việt Nam cần biến áp lực thành động lực
Theo xu hướng giảm của giá cà phê trên thế giới trong những ngày gần đây, giá cà phê trong nước hôm nay ngày 30/3 tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên ghi nhận mức giảm 500 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng hiện ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 47.800-47.900 đồng/kg.
Theo MXV, ngành cà phê Việt Nam hiện còn nhiều thách thức như sự cân đối trong cán cân cung cầu, đặc biệt là tiêu thụ nội địa. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Đây vẫn là khó khăn lớn của ngành.
Để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, Việt Nam cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Ngoài ra, các quy định mới chặt chẽ của các nước nhập khẩu vừa là áp lực, nhưng cũng vừa là động lực cho ngành nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thúc đẩy việc kinh doanh quản lý hiệu quả hơn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: baochinhphu.vn