Hình ảnh: Đấu tranh với tội phạm tham nhũng: Nhiều trường hợp mới chưa có tiền lệ số 1

Phiên tòa xét xử vụ án tiêu cực trong đấu thầu trang thiết bị y tế liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết việc phát hiện, xử lý án tham nhũng, chức vụ từ sau Đại hội XIII của Đảng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, có những bước tiến mới.

Xử lý đến cùng các sai phạm

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ phương châm: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn". Trong cuộc đấu tranh đó, đấu tranh với nhóm các tội phạm về tham nhũng, chức vụ thời gian qua đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, vai trò, vị trí của ngành Công an giữ vị trí quan trọng.

Nổi bật là đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người" được nhân dân đồng tình, ủng hộ. 

Phát hiện, điều tra, làm rõ nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có sự câu kết trong-ngoài với tinh thần xử lý nghiêm, xử lý đến cùng các sai phạm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội 

phạm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức cá nhân nào. 

Kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, giảm thiểu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; tham mưu, hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo nền tảng vững chắc cho công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. 

Các đối tượng đã "tâm phục, khẩu phục", nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước; một số tội danh trước đây rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh thì nay đã làm được; thậm chí, có trường hợp kết luận điều tra đủ tài liệu, chứng cứ để truy tố, xét xử vắng mặt người phạm tội. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đây là trường hợp mới chưa có tiền lệ trong tố tụng.

Sửa đổi những quy định mà thực tiễn điều tra cho thấy có sơ hở, dễ bị lợi dụng

Tuy nhiên, theo Đại tướng Tô Lâm, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn đang hiện hữu ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực; ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Hành vi tham nhũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm chậm quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh của đất nước. 

Đây là những thách thức phi truyền thống đe dọa nghiêm trọng đến bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó có an ninh chính trị, "an ninh con người".

Thời gian tới, cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án về tham nhũng, tiêu cực, Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, góp phần xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thiện cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực, cơ chế bảo vệ người phản ánh, tố cáo và xử lý hành vi trù dập, trả thù người tố cáo. 

Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật mà thực tiễn điều tra đã chỉ ra có sơ hở, dễ bị lợi dụng.

Nhật Nam

Nguồn: baochinhphu.vn