Kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới.(Ảnh: AA)
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, ngày 25/3 cho biết, doanh thu của kênh đào Suez kể từ đầu năm tới nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái do căng thẳng ở Biển Đỏ, đồng thời lưu ý Ai Cập đã phải chịu những quả nặng nề do tình trạng bất ổn an ninh ở vùng biển này.
Theo ông Madbouly, Ai Cập đã ghi nhận các chỉ số kinh tế "rất tích cực" trước thời điểm xảy ra một loạt cuộc khủng hoảng như: Đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến ở Dải Gaza và những diễn biến ở Biển Đỏ. Trong năm tài chính 2022 - 2023, doanh thu của kênh đào Suez - nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nền kinh tế Ai Cập bên cạnh du lịch và kiều hối - đã ghi nhận mức kỷ lục 9,4 tỷ USD.
Là tuyến hàng hải quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập.
Các số liệu của Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập cho thấy, số lượng tàu thuyền di chuyển qua tuyến hàng hải quan trọng này trong giai đoạn 2016 - 2022 đã tăng 8% so với giai đoạn 2008 - 2014. Khoảng 8,2 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua Kênh đào Suez trong giai đoạn 2016 - 2022, tăng 32% so với giai đoạn từ năm 2008 - 2014. Tổng doanh thu của kênh đào Suez đạt 41,7 tỷ USD trong 7 năm kể từ khi luồng kênh mới song song đi vào hoạt động, tăng đáng kể từ mức 35,4 tỷ USD của giai đoạn 2008 - 2014.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tàu ở Vịnh Aden và Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của Houthi đã buộc một số hãng vận tải biển chủ chốt phải ngừng di chuyển qua Biển Đỏ và chọn tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động hàng hải qua kênh đào Suez.
Thủ tướng Mostafa Madbouly cho biết, Ai Cập đang nỗ lực duy trì các hoạt động của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài thông qua một loạt giải pháp, bao gồm việc thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng cường xuất khẩu hàng hóa ra các trường quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế. Ông Madbouly nhấn mạnh thỏa thuận tín dụng trị giá 8 tỷ USD vừa đạt được với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phản ánh niềm tin của định chế tài chính đa phương quốc tế này đối với nền kinh tế Ai Cập./.
PG (tổng hợp)
Nguồn: dangcongsan.vn