Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 26/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp định kỳ trực tuyến về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo tại Syria với sự tham dự của đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowcock.

Tại cuộc họp này, Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của giải pháp chính trị toàn diện nhằm đem lại ổn định cho người dân Syria.

Các báo cáo viên nêu rõ tình cảnh đặc biệt khó khăn của người dân Syria trong bối cảnh tiến trình chính trị tiếp tục bế tắc, đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập tại Uỷ ban Hiến pháp do Liên hợp quốc làm trung gian chưa có tiến triển cụ thể.

Bất ổn an ninh tiếp diễn tại một số khu vực và luôn tiềm ẩn khả năng leo thang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của dân thường, tình hình nhân đạo đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng cùng tác động của đại dịch COVID-19.

Cả hai báo cáo viên đều nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc cần tiếp tục gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới nhằm bảo đảm hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria, đặc biệt là hàng triệu người bị buộc rời khỏi nơi cư trú tại khu vực Tây Bắc nước này.

Phó Tổng Thư ký Lowcock đề cập thách thức nhân đạo mới tại khu vực Đông Bắc Syria khi mực nước sông Euphrates liên tục giảm.

Con sông này là nguồn cung cấp nước uống cho khoảng 5,5 triệu người dân Syria cũng như nước dùng cho sản xuất điện và nuôi trồng cho hàng triệu hộ gia đình tại khu vực này.

Ông Lowcock kêu gọi các bên liên quan như Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sớm hợp tác giải quyết vấn đề này.

Trong trao đổi, các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy giải pháp chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an để giải quyết dứt điểm khủng hoảng tại Syria, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh tiến trình đàm phán tại Uỷ ban Hiến pháp.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng việc xây dựng lòng tin, đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao và duy trì tình hình an ninh ổn định đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ tiến trình chính trị này.

Về vấn đề nhân đạo, Đại sứ chia sẻ quan ngại về tình hình ngày một xấu đi tại Syria, trong đó có vấn đề mất an ninh lương thực, thiếu hụt hàng hoá cơ bản, tác động nặng nề của COVID-19 và an ninh nguồn nước.

Đại sứ kêu gọi tăng cường hợp tác trong vận chuyển hàng hoá viện trợ nhân đạo khắp Syria, thúc đẩy hỗ trợ quốc tế nhằm bảo đảm hoạt động nhân đạo, trong đó đặt trọng tâm vào việc cung cấp vaccine COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Cùng ngày, 10 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an đã có cuộc trao đổi riêng định kỳ với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chia sẻ các thông tin cập nhật về tình hình Ethiopia, xung đột Israel-Palestine và vấn đề huy động và phân phối vaccine COVID-19 trên thế giới./.

Theo TTXVN

Theo http://www.tuyengiao.vn/the-gioi/viet-nam-de-cao-vai-tro-trung-tam-cua-giai-phap-chinh-tri-cho-syria-133608