Thông tin trên được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu tại Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chiều 14/9.

Hình ảnh: Đối thoại với người dân Thủ Thiêm phải hoãn 2 lần do dịch COVID-19 số 1

 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp

(Ảnh: Quang Khánh)

Hơn 61% khiếu nại tập trung ở lĩnh vực đất đai

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%.

Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%. Về khiếu nại, so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%). Về tố cáo, so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Đáng chú ý, ông Lê Minh Khái cho biết, Thanh tra Chính phủ cho biết đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc một số địa phương về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo thành công đại hội đảng bộ các cấp. Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tuy nhiên phải hoãn 2 lần do dịch bệnh).

Vẫn là những nguyên nhân cũ

Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ 4 nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay.

Trước hết là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai; khiếu kiện ở một số lĩnh vực khác có diễn biến phức tạp. Mặt khác, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại cũng có những bất cập nhất định.

Tiếp đó là do công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; việc thanh, kiểm tra còn hạn chế và chưa kịp thời. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại với dân, chưa tập trung, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. 

Chính phủ cũng cho rằng, việc thực hiện công tác giám sát của các cơ quan chức năng ở một số địa phương, nhất là giám sát việc thực thi pháp luật ở những lĩnh vực hay phát sinh khiếu nại, tố cáo, còn hạn chế. Công tác phối hợp có lúc chưa tốt, một số trường hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu thống nhất trong giải quyết vụ việc.

Nguyên nhân khác là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả chưa cao. Có những trường hợp vụ việc đã được cơ quan chức năng rà soát, giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình, tổ chức đối thoại, vận động nhưng công dân vẫn tiếp khiếu; có trường hợp phản ứng tiêu cực, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây rối hoặc tham gia khiếu kiện đông người gây mất an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật nhận xét, những nguyên nhân được Chính phủ đề cập vẫn là những nguyên nhân như đã được nêu trong nhiều báo cáo các năm qua nhưng chưa có sự đi sâu, phân tích làm rõ sự khác biệt của năm 2020 so với các năm trước, chưa chỉ ra được đâu là nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. “Do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước? Hay do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình khiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% các vụ việc và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019.

Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở, còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 có 27,8% quyết định giải quyết lần 1 phải sửa hoặc hủy; kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 12,9% tố cáo tiếp là đúng và 25,7% tố cáo tiếp có đúng, có sai. “Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Nhận xét các nhóm giải pháp được Chính phủ đề cập về cơ bản đã mang tính hệ thống, toàn diện, song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá gắn với mục tiêu cụ thể để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện./.


Tú Giang/dangcongsan.vn



Theo http://dangcongsan.vn/thoi-su/doi-thoai-voi-nguoi-dan-thu-thiem-phai-hoan-2-lan-do-dich-covid-19-563483.html