Ngày 29/8/2024, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa: Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam” với sự tham dự của khoảng 80 đại biểu là đến từ một số bộ, ngành Trung ương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các trường đại học khối Kinh tế - tài chính; công ty về bảo mật chuỗi khối (blockchain); ngân hàng thương mại; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế... 

Chưa có cơ sở pháp lý về tài sản mã hóa tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, tài sản mã hóa là xu hướng phát triển tất yếu, các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển. Do đó, cần có phương án quản lý phù hợp. Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu tại Hội thảo.

Hiện nay, nhiều nước đã bắt đầu hình thành khung pháp lý về quản lý tài sản mã hóa nhằm đưa tài sản mã hóa vào đối tượng quản lý và giám sát thay vì không được công nhận hay bị cấm như trước đây. Đa số các quốc gia thuộc nhóm G20 (ngoại trừ Trung Quốc) có xu hướng công nhận tài sản mã hóa, cấp phép một số loại dịch vụ tài sản mã hóa, cấp phép với các sàn giao dịch tài sản mã hóa, đánh thuế đối với giao dịch tài sản mã hóa. 

Tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu ước đạt 2,21 nghìn tỷ USD với hơn 2,4 triệu loại tiền mã hóa theo thống kê của CoinMarketCap.

Các tổ chức tài chính quốc tế như Hội đồng ổn định tài chính (Financial Stability Board, FSB), Tổ chức Quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng… cũng ban hành các hướng dẫn, thông lệ tốt và khuyến cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Báo cáo của Hãng Chainalysis (Hoa Kỳ) cho thấy, trong 12 tháng (tính đến tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3 - 4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021 - 2022 (khoảng 100 tỷ USD). Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về tài sản mã hoá, khoản thu thuế đối với 120 tỷ USD này đang bị thất thoát mà Bộ Tài chính không quản lý được.

Ngày 23/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì Hành động số 6 về xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ vào tháng 5/2025, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.

Có nên cấm hoàn toàn tài sản mã hóa?

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, trao đổi và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát tài sản mã hóa trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo. 
Toàn cảnh Hội thảo. 

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, sự phát triển của thị trường tài sản hóa là một xu hướng khó có thể đảo ngược. Thay vì lựa chọn không làm gì hoặc cấm cản, đa số các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Singapore... đã lựa chọn việc xây dựng các quy định pháp lý nhằm điều tiết, quản lý thị trường tài sản mã hóa. Việc đưa ra các quy định pháp lý liên quan đến quản lý tài sản mã hóa cũng góp phần quan trọng bảo vệ nhà đầu tư, tăng cường khả năng thu thuế trên các giao dịch tài sản mã hóa, nâng cao khả năng kiểm soát các hoạt động rửa tiền, giảm thiểu rủi ro tài trợ khủng bố, quản lý tốt hơn dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia.

TS. Nguyễn Thị Thùy Dung - Đại diện nhóm nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với tài sản mã hóa, Học viện Tài chính đề xuất, Chính phủ có thể lựa chọn quan điểm quản lý, giám sát tài sản mã hóa thay vì cầm hoàn toàn, đồng thời, thống nhất khái niệm “tài sản mã hóa” trong các văn bản pháp lý; quản lý các hoạt động liên quan tới tài sản mã hóa theo cách tiếp cận rủi ro, ưu tiên quản lý các hoạt động lưu ký.

Để bảo vệ quyền lợi của người dân, bà Dung cho rằng, cần nâng cao nhận thức, tăng cường cung cấp thông tin, cảnh báo kịp thời, xây dựng đồng bộ cơ chế bảo vệ được quy định trong luật bảo vệ người tiêu dùng và các pháp luật điều chỉnh tài sản mã hóa trong tương lai.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, trước thực trạng thiếu quy định về tài sản mã hóa được người dân chấp nhận, sở hữu và giao dịch rất đông đảo kèm khối lượng lớn, tháng 6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có khuyến nghị liên quan đến quản lý tài sản mã hóa. Điều này gây tác động lớn đến uy tín ngoại giao và tính cạnh tranh, hấp dẫn của nền kinh tế.

Trước áp lực này, Việt Nam cần nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ pháp lý thích hợp để quản lý việc khai thác, giao dịch và cất trữ các tài sản mã hóa, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ mạnh dạn nghiên cứu, triển khai các dự án liên quan đến tài sản mã hóa.

Bên cạnh các ý kiến trên, nhiều vấn đề mới cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên và nhà nghiên cứu được gợi mở thêm tại Hội thảo nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này tại Việt Nam.

Theo https://tapchitaichinh.vn/dong-tai-san-ma-hoa-vao-viet-nam-len-den-hang-tram-ty-usd.html?source=cat-1107182143