Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 27,75% kế hoạch - Ảnh 1.

Có 07 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%

Bộ Tài chính vừa có công văn số 6013/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 5 tháng, ước thực hiện 6 tháng kế hoạch năm 2022.

Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, báo cáo cho biết: Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2022 là 110.130,69 tỷ đồng, đạt 18,80% kế hoạch (585.655,441 tỷ đồng) và đạt 20,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (542.105,895 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2021 đạt 22,97% kế hoạch và đạt 25,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó: Vốn trong nước là 107.946,13 tỷ đồng (đạt 19,60% kế hoạch giao là 550.855,441 tỷ đồng). Vốn nước ngoài là 2.184,56 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2022 là 150.415,78 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch (đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2021 đạt 26,23% kế hoạch và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó: Vốn trong nước là 147.418,92 tỷ đồng (đạt 26,76% kế hoạch và đạt 29,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 2.996,86 tỷ đồng (đạt 8,61% kế hoạch).

07 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết: Tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%); trong đó vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

Có 07 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%); Ngân hàng phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (51,13%), Lâm Đồng (47,68%), Bình Thuận (45,06%), Ninh Bình (43,88%), Tiền Giang (42,7%).

Có 40/51 Bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 25 Bộ và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 04 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Xử lý ngay những tồn tại, hạn chế (thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu tại báo cáo số 3605/BC-BKHĐT ngày 02/6/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2022 và kết quả của 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022.

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 8/6/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/02/2021 Quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Lan Phương


Theo https://baochinhphu.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-6-thang-dau-nam-uoc-dat-2775-ke-hoach-102220628165708438.htm