Hình ảnh: Giữ gìn, phát triển văn hóa là tạo động lực cho phát triển bền vững số 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Bạc Liêu sớm trở thành vùng đất thực sự giàu đẹp, hạnh phúc, tràn ngập yêu thương và luôn vang tiếng đàn, tiếng hát vọng cổ, Đờn ca tài tử thấm đẫm nghĩa tình người phương Nam - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Ngày hội với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây tròn 1 năm, hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị các di sản văn hoá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thêm cơ sở và động lực để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Theo Phó Thủ tướng, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam chúng ta đã không ngừng gây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ - phong phú và rất đáng tự hào.

Trong đó, Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam; là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ; là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn; vừa phản ánh tinh hoa ngàn năm văn hiến của dân tộc vừa mang những nét cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, hào sảng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn của những người con vùng đất phương Nam "Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".

Đặc biệt, với sức sống của mình, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.

Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, quê hương bản Dạ cổ hoài lang của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu "bất hủ", đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc "vọng cổ" và nghệ thuật sân khấu cải lương.

Hình ảnh: Giữ gìn, phát triển văn hóa là tạo động lực cho phát triển bền vững số 2

Chương trình nghệ thuật lễ khai mạc có 3 chương: Bạc Liêu - cái nôi gìn giữ nghệ thuật đờn ca tài tử; Tình đất, tình người Bạc Liêu; Bạc Liêu khát vọng hội nhập và phát triển - Ảnh: VGP/Đình Nam

Năm 2014, cũng tại Bạc Liêu, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong góp phần gìn giữ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. 

Đây cũng là minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy văn minh nhân loại và là điều kiện thuận lợi để bạn bè quốc tế hiểu hơn về một vùng đất không chỉ anh dũng, kiên cường, bất khuất mà cũng rất đỗi hiền hòa, yêu cái đẹp, luôn hướng tới cái đẹp và sâu nặng nghĩa tình.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu kể từ khi tái lập tỉnh năm 1997.

Trong bối cảnh đất nước ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, với cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội rất hạn chế, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, nguồn lực đầu tư chủ yếu trông chờ vào Trung ương, nhưng những con người "xứ Bạc" với bản lĩnh, ý chí, anh hùng và sức sáng tạo lớn lao đã vượt khó vươn lên.

Trải qua 25 năm, Bạc Liêu đã dám nghĩ, dám làm, khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của mình, duy trì mức tăng trưởng khá so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập người dân tăng nhanh, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều tiến bộ rõ nét. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm trụ cột Bạc Liêu đã xác định gồm: (1) Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (2) phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo; (3) phát triển du lịch gắn với văn hóa, con người; (4) phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; (5) phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, thể hiện tầm nhìn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 một lần nữa thử thách bản lĩnh càng khó khăn càng mạnh mẽ của dân tộc ta, của đồng bào Nam Bộ.

Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt, nhất là với những người yếu thế, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Hình ảnh: Giữ gìn, phát triển văn hóa là tạo động lực cho phát triển bền vững số 3

Trong khuôn khổ Ngày hội có hàng loạt hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hoá, kinh tế, thương mại, xúc tiến đầu tư – Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhấn mạnh, bên cạnh cơ hội, thuận lợi là rất nhiều khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều lần để phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và cả giai đoạn 2021–2025 với tinh thần lấy lại 2 năm đã chậm vì dịch bệnh.

Trước hết, tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân; chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. 

Đồng thời, Bạc Liêu cần nhanh chóng cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bạc Liêu cũng cần khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội đã được xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, ngay trong từng giai đoạn; thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên - Bạc Liêu, đường bộ hành lang ven biển, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp…

Phó Thủ tướng lưu ý, Bạc Liêu phải nhận thức sâu sắc hơn văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là tạo động lực cho phát triển bền vững, cũng là thể hiện chữ "Hiếu" với tổ tiên và cũng là trách nhiệm với thế hệ mai sau và với cả nền văn minh thế giới.

Tỉnh Bạc Liêu cần bằng các hành động cụ thể khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước; đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội; bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống an toàn; tràn ngập yêu thương và luôn vang tiếng đàn, tiếng hát vọng cổ, Đờn ca tài tử thấm đẫm nghĩa tình người phương Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với truyền thống cách mạng cùng những nền tảng đã tạo dựng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhất định sẽ đưa địa phương phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm trở thành vùng đất thực sự giàu đẹp, hạnh phúc, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang 2022 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27-29/11 với một số hoạt động: Triển lãm thành tựu 25 năm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu 2022: Hội nghị "kết nối cung - cầu hàng hóa giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố năm 2022"; Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu năm 2022; Không gian "Hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện vùng, miền gồm: Dân ca quan họ, ca trù, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh; Nghệ thuật bài chòi, Hát chèo, Đờn ca tài tử; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2022; Ngày hội Tôm và Muối Bạc Liêu;…

Ngày hội với sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước, dự kiến sẽ thu hút hơn 20.000 lượt du khách tham quan.

Đình Nam

Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/giu-gin-phat-trien-van-hoa-la-tao-dong-luc-cho-phat-trien-ben-vung-102221127224726088.htm