Thông tư này hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu quy định tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP bao gồm: Giá Etanol nhiên liệu; tỷ lệ thể tích xăng không chì, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu; tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu; chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới); chi phí kinh doanh xăng dầu định mức; lợi nhuận định mức; tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Về nguyên tắc xây dựng, điều chỉnh yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư nêu rõ, yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan, kết quả tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.

Các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu là khoản chi phí tổng hợp tối đa được rà soát, đánh giá và xây dựng trên cơ sở nguồn số liệu sau đây:

Số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tổng hợp báo cáo từ các khoản chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.

Số liệu tổng hợp từ kết quả khảo sát, đánh giá chi phí thực tế của Bộ Tài chính tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có tính đại diện, có tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn (nếu có).

Việc thu thập, tổng hợp số liệu được thực hiện trên cơ sở báo cáo của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có tính đại diện, có tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu chiếm trên 70% sản lượng tiêu thụ trên cả nước. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Thông tư nêu rõ, các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức được rà soát, đánh giá và xem xét điều chỉnh định kỳ 6 tháng và hàng năm tương ứng với từng khoản chi phí theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.

Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ, biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức theo dõi, nắm bắt và đánh giá tình hình thực hiện thực tế tại đơn vị, kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để có cơ sở xem xét điều chỉnh cho phù hợp theo quy định; chịu trách nhiệm về báo cáo của mình.

Theo https://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/huong-dan-xac-dinh-yeu-to-cau-thanh-trong-cong-thuc-gia-co-so-xang-dau-342550.html