Hình ảnh: Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện ở Đồng Nai số 1

Các kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân gây vụ gây ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai khiến hàng trăm người vào viện có liên quan đến vi khuẩn Salmonella

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối ngày 7/5 - ngày thứ 7 sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh, các cơ sở y tế không ghi nhận thêm trường hợp mới nhập viện. 

Tổng số trường hợp nhập viện lũy kế đến hiện tại là 547 trường hợp. Hiện, có 466 trường hợp đã xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà, 81 trường hợp theo dõi điều trị tại bệnh viện. 

Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đã có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến cai máy thở trong 1-2 ngày tới. Cá,c trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định.

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện, có ghi nhận 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli; 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli. 

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện cũng ghi nhận 4/8 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella. 

Như vậy, các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận, nguyên nhân gây vụ ngộ độc thực phẩm này có liên quan đến vi khuẩn Salmonella. 

Trước đó, ngày 1/5, sau khi ăn bánh mỳ tại tiệm bánh mỳ Băng, đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, nhiều người dân có các dấu hiệu như: tiêu chảy, nôn ói, sốt, đau bụng... và phải nhập viện trong các ngày sau đó.

Liên quan đến vụ việc này, công an tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định nhằm xác định nguyên nhân vụ việc, đồng thời tiến hành làm việc với một số nạn nhân, người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định…

Thủ tướng giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố… trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý…

HM

Nguồn: baochinhphu.vn