Nhiều dự án giải ngân thấp, thậm chí 0%
Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải và dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý là 144.937 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (669.264 tỷ đồng). Trong đó, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải là 112.207,7 tỷ đồng; các dự án giao thông liên vùng là 32.730,4 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/7/2024, các dự án trên đã giải ngân 43.507,8 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch năm. Trong đó, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải giải ngân 36.362,9 tỷ đồng, đạt 32,4% kế hoạch.
Tốc độ giải ngân tích cực nhất phải kể đến 04 dự án (dự án thành phần) thuộc Bộ Giao thông vận tải và dự án do địa phương quản lý với tỷ lệ giải ngân trên 50% so với kế hoạch gồm: Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Bộ Giao thông vận tải): 55,9%; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (Tuyên Quang 54,9%, Hà Giang 100%); Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 56,4% (Tiền Giang 70,3%).
Tuy nhiên, trái ngược với số ít dự án nêu trên, nhiều các dự án lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Có tới 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so kế hoạch, thậm chí, một số dự án giải ngân 0% như: Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Nha Trang – Cam Lâm (Bộ Giao thông vận tải); Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La...
Bên cạnh công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý đã giải ngân 7.144,9 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch. Đặc biệt, có 13 dự án có tỷ lệ giải ngân trên 50% so kế hoạch, một số dự án giải ngân đạt 100% như: Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn-Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang Tuyên Quang); Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Phú Yên nối huyện Tuy An và TP. Tuy Hòa giai đoạn 1...
Đối lập với những dự án tích cực nêu trên, có tới 31 dự án giao thông liên vùng có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so kế hoạch. Trong đó, có 02 dự án giải ngân 0%: Dự án Đường ven biển đoạn qua tuyến khu vực cầu Cửa Tùng và Cửa Việt; Dự án Tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (Khu Kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).
Đối với các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 tại 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo quy định; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến hết ngày 31/7/2024, các dự án trên mới giải ngân 1.397,75 tỷ đồng, đạt 34,94% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao. Điểm tích cực là một số địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% như: Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp... Tuy nhiên, thời hạn giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 chỉ còn hơn 4 tháng, trong khi đó nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân đến ngày 31/12/2024.
Sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí vốn ngân sách
Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, dự án liên vùng... với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" gắn với Đợt thi đua "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc".
Do đó, Bộ Tài chính công khai tiến độ giải ngân của các dự án để Bộ Giao thông vận tải và các địa phương kịp thời chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành, nhà thầu và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công; đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước Bộ Tài chính đã công khai hàng tháng. Đồng thời, chủ động rà soát và điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài các kiến nghị chung nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 08/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo quy định; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của pháp luật.