IFC và SeABank ký kết cung cấp khoản vay 40 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19.
Ngày 28/6 tại Hà Nội, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã ký kết cung cấp khoản vay 40 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19.

Gói tài trợ này sẽ bao gồm 80 triệu USD từ IFC và 50 triệu USD được huy động từ các bên cho vay quốc tế, cùng với hạn mức tài trợ thương mại 20 triệu USD. Với mục tiêu bao trùm là gia tăng danh mục cho vay DNVVN của SeABank, tối thiểu 20 triệu USD sẽ được dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, với hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi). 

Với chiến lược mở rộng tiếp cận DNVVN do phụ nữ làm chủ, tài trợ của IFC sẽ giúp ngân hàng tăng gấp ba dư nợ cho vay hiện tại, chiếm khoảng 25% tổng danh mục DNNVV của ngân hàng vào năm 2024. 

Tài trợ khí hậu là một lĩnh vực mới ở Việt Nam với cơ hội đầu tư trị giá 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2030 khi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính. IFC sẽ hỗ trợ SeABank đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu này với 30 triệu USD phân bổ cho các dự án thân thiện với môi trường. Hỗ trợ của IFC dự kiến ​​sẽ giúp SeABank xây dựng danh mục tài chính khí hậu trị giá 60 triệu USD vào năm 2024.

Bà Lê Thu Thủy, Tổng Giám đốc SeABank cho biết, khoản tài trợ dài hạn và tư vấn kỹ thuật của IFC trong bối cảnh đại dịch sẽ cho phép SeABank tập trung vào hai phân khúc chiến lược DNVVN và định vị ngân hàng trở thành ngân hàng hướng tới các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các dự án thân thiện với môi trường.

Cùng với gói hỗ trợ tài chính, IFC cũng sẽ triển khai chương trình tư vấn giúp SeABank phát triển danh mục cho vay cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đẩy mạnh tài trợ khí hậu và nâng cao năng lực quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động của ngân hàng.

IFC sẽ tư vấn cho SeABank xây dựng chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ để giúp thu hẹp mức thiếu hụt tài chính 4,9 tỷ USD của các DNVVN do phụ nữ làm chủ, chiếm hơn 20% tổng thiếu hụt tài chính của DNVVN tại Việt Nam.

Ngân hàng này sẽ tài trợ nhiều hơn cho các công trình xanh và các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả để giúp giảm phát thải khí nhà kính, mở rộng danh mục tài trợ dự án xanh.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: Khoản đầu tư này thể hiện sự tin tưởng của IFC vào SeABank và định hướng chiến lược của ngân hàng trong việc gia tăng tài trợ cho DNVVN và các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm, và hỗ trợ Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch COVID-19.

Hạn mức bảo lãnh thương mại trị giá 20 triệu USD của IFC trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu (GTFP) cho phép SeABank gia nhập mạng lưới trên 500 ngân hàng đối tác tại gần 100 thị trường mới nổi.

Trước đó, IFC cũng phối hợp cùng các ngân hàng tư nhân của Việt Nam như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)…, thông qua các ngân hàng này tăng cường hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là DNVVN gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, hoạt động tại trên 100 quốc gia.

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/IFC-phoi-hop-ngan-hang-Viet-ho-tro-DN-nho-gap-kho-khan-do-COVID19/436188.vgp