“Hoạn nạn có nhau”

Bảo hiểm từ lâu đã được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nền kinh tế hiện đại.

Thông qua bảo hiểm, các cá nhân và tổ chức có thể giảm thiểu những rủi ro liên quan đến các yếu tố bất ngờ như thiên tai, tai nạn, bệnh tật, cháy nổ, hay thậm chí là các biến động về tài chính. Trong một thế giới ngày càng phức tạp và đầy rủi ro, bảo hiểm trở thành một tấm lá chắn giúp bảo vệ các bên tham gia khỏi những tổn thất không mong muốn.

Gần đây nhất, sự tàn khốc do cơn bão số 3 (bão Yagi) để lại, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Trong những lúc khó khăn nhất, ngành Bảo hiểm đã nỗ lực thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ trong quá trình hỗ trợ khách hàng, người dân khắc phục, tái thiết cuộc sống.

Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế với trên 80 nghìn tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức rà soát thiệt hại, thực hiện tạm ứng, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ theo cam kết bảo hiểm.

Tính đến 17h ngày 16/10/2024, ước tính, chi trả bảo hiểm do bão số 3 lên tới 12.811 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thiệt hại do bão gây ra; trong đó, chủ yếu là các bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm 96%). Đến nay, các doanh nghiệp đã tạm ứng bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.

Về bảo hiểm thân tàu (liên quan tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), các doanh nghiệp đã chi trả bồi thường 209 tỷ đồng. Về bảo hiểm sức khỏe có 46 vụ, bảo hiểm đã chi trả, bồi thường 4 tỷ đồng liên quan đến tai nạn…

“Việc tham gia bảo hiểm rất quan trọng cho tổ chức, cá nhân khi có tổn thất, phần nào giúp giảm bớt gánh nặng tài chính để khôi phục lại hoạt động, sản xuất kinh doanh”, ông Đức chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, từ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng  do bão Yagi, đại dịch COVID-19… gây ra, đã cho thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, trong việc giúp người dân, doanh nghiệp hạn chế tối đa thiệt hại khi gặp rủi ro. Qua đó, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh tuyên truyền để phát triển thị trường bảo hiểm xứng tầm

Nhìn lại công tác chi trả bồi thường cho các khách hàng bị tổn thất nói chung, chi trả cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi nói riêng, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là “bà đỡ”, “lá chắn” tránh tổn thất cho người dân.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn, do chịu tác động nặng nề của cơn bão Yagi, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường thiệt hại rất nhanh, có thể tạm ứng bồi thường ngay 20% – 30% trong khi quy trình cần phải có giám định, giấy tờ đầy đủ; đây là điều mà trước đó chưa từng xảy ra.

Dù có những đóng góp quan trọng đối với phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song ngành Bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng vẫn phát triển chưa xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, trong số hơn 80.000 tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi vừa qua, tỷ lệ được bảo hiểm mới chiếm khoảng 17% (12.811 tỷ đồng). Trong khi đó, cơn bão Milton vừa đổ vào nước Mỹ gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD thì có tới 125 tỷ USD được bảo hiểm. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm rất thấp.

Trên thế giới, tỷ lệ mua bảo hiểm trung bình khoảng 90%. Tại Việt Nam, doanh thu bảo hiểm năm 2023 vào khoảng 9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP, trong khi mức trung bình của châu Á là 4% và thế giới là khoảng 9%. Tổng vốn chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023 là khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 39.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy ngành Bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực...

Trong đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5%. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ…

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân bỏ định kiến, hiểu rõ và hiểu sâu hơn về bảo hiểm. Theo bà Trần Hồng Nguyên, từ sau cơn bão Yagi với những thiệt hại nặng nề về xe cộ, nhà xưởng, tàu thuyền…, người dân và doanh nghiệp sẽ hiểu rằng nếu không có bảo hiểm, họ sẽ trắng tay. Do đó, đây chính là dịp cần có tuyên truyền tốt hơn về bảo hiểm.

Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp và người dân hoàn toàn yên tâm được bảo vệ, không có cảm giác thiệt thòi trong cuộc chơi này. Cùng đó, cần tăng cường thanh tra, giám sát, để khi có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời ngăn chặn.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ tư vấn viên; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, khách hàng tham gia bảo hiểm.

 

Trong số hơn 80.000 tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi vừa qua, tỷ lệ được bảo hiểm mới chiếm khoảng 17% (12.811 tỷ đồng). Trong khi đó, cơn bão Milton vừa đổ vào nước Mỹ gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD thì có tới 125 tỷ USD được bảo hiểm. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm rất thấp.

Theo https://tapchitaichinh.vn/khang-dinh-vai-tro-la-chan-va-thuc-day-tang-truong-kinh-te-cua-nganh-bao-hiem.html?source=cat-171