Tính đến 14/6, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí có ngân hàng âm tới hơn 10%.

Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhiều ngân hàng đang rơi vào cảnh tăng trưởng tín dụng âm. Chẳng hạn, ABBank tăng trưởng tín dụng âm hơn 10%, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm 1-5%, như SeABank, PVComBank, BaoVietBank…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, tính đến nay, vẫn có tới 23 địa phương tăng trưởng tín dụng âm, 29 địa phương tăng trưởng tín dụng tăng dưới 2%, chỉ có 11 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng tín dụng trên 2%. Trong các tỉnh có tín dụng tăng trưởng âm, mức tăng trưởng âm cao nhất thuộc về Lào Cai (-7%). Đáng nói, nhiều tỉnh, thành phố được coi là trọng điểm kinh tế, nơi tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất lớn cũng có tín dụng tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng tín dụng chậm như Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, TP.Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng…

"Điều đó cho thấy, tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ; nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân", Phó Thống đốc nêu rõ.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho rằng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2024 còn thấp.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết: “Theo quy luật chung của nền kinh tế, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm nhưng lại có xu hướng chững lại ở những tháng đầu năm. Chính vì vậy, nửa đầu năm 2024, sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất kém, số doanh nghiệp giải thể tăng, bản thân "sức khỏe" doanh nghiệp giảm sút dẫn đến cầu tín dụng giảm, tăng trưởng tín dụng giảm”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank, nhiều ngân hàng có tập khách hàng là các doanh nghiệp có các yếu tố nước ngoài như doanh nghiệp FDI và công ty đa quốc gia, sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp này khá khiêm tốn do các động lực tăng trưởng xuất khẩu, các đơn hàng, thị trường sụt giảm khiến động lực đầu tư chậm lại, nhu cầu vốn giảm dẫn đến tín dụng đối cho các doanh nghiệp giảm.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ Việt Nam chia sẻ, các ngân hàng liên doanh còn gặp nhiều thách thức, khó khăn khi phải cạnh tranh với các ngân hàng nội có chi phí huy động vốn bằng VND rẻ hơn, dẫn đến lãi suất cho vay cao hơn, vì vậy, tín dụng cũng tăng trưởng chậm hơn.

Hạ thêm lãi suất có đẩy được tín dụng?

Tín dụng đến giữa tháng 6 tăng 3,79% so với cuối năm 2023, các chuyên gia của SSI Research đánh giá mức tăng trưởng này tích cực hơn so với cuối tháng 5 (2,41%) và khả năng tăng trưởng tín dụng có thể đạt được mức 5 - 6% vào cuối tháng 6/2024.

Nhiều ngân hàng cũng kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, trong quý II/2024, tín dụng của ACB tăng gấp đôi so với quý đầu năm nay và kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn trong các quý tới. Bởi thực tế, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của các doanh nghiệp nên ngân hàng đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm 2024 là 16%.

Tương tự, SHB ghi nhận tăng trưởng tín dụng hiện mới đạt 2,54%, trong khi dự kiến đến ngày 30/6 tăng 5%. Hay như Vietcombank tuy tăng trưởng tín dụng tới ngày 17/6 mới đạt 2,1%, song dự kiến hết ngày 30/6 tăng 4,3%, đến ngày 30/9 tăng 8,2% và cả năm tăng 12%. VPBank cũng dự kiến tăng tín dụng 5-6% trong nửa đầu năm, dù hết ngày 31/5 mới tăng gần 2%.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng lãi suất cho vay hiện nay không phải là rào cản đối với doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo BIDV, bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. "Nhìn vào số liệu doanh nghiệp cho thấy "sức khỏe" của các doanh nghiệp suy giảm do khó khăn kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục ban hành các gói tín dụng ưu đãi, nỗ lực phối hợp với khách hàng tháo gỡ vướng mắc để tăng giải ngân", lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Lãnh đạo cấp cao của Agribank cho biết, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, dù lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp. Thậm chí, hiện lãi suất cho vay cá nhân mua nhà tại Agribank có mức thấp nhất chỉ là 5,5-6%/năm.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng chưa đạt kỳ vọng, song lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm khả quan hơn.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn
Theo https://tapchitaichinh.vn/loay-hoay-khoi-thong-von-ngan-hang.html