Không để thiếu hụt nguồn lao động
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp đang từng bước ổn định sản xuất và hoạt động trở lại bình thường; với những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động đã làm cho tình hình thị trường lao động của tỉnh đầu năm 2022 ít có sự biến động. Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới là 817 doanh nghiệp, giải thể 119 doanh nghiệp; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14.547 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có 11.890 doanh nghiệp đang hoạt động), số lao động làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 350.000 người.
Hình ảnh: Long An: Tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm, tuyển dụng lao động số 1
Ảnh minh họa: HM
Dự báo trong năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 51.139 vị trí việc làm, trong đó lao động phổ thông chiếm 71,8%; chế biến, chế tạo chiếm 18,2%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 5,57%; kinh tế, văn phòng chiếm 4,43%. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đưa 259 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tư vấn việc làm cho 90.676 lượt người.
 
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng lao động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát tình hình, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở doanh nghiệp; trong đó có hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng lao động; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và tạo điều kiện để người lao động có việc làm ổn định.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kịp thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Long An đến năm 2030. Tổ chức rà soát, thống kê tổng hợp, cập nhật nhu cầu đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng số Long An ID để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp thường xuyên tại Trung tâm; lưu động tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp và các địa phương có nhu cầu để kết nối người lao động có nhu cầu tìm việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên các huyện, thị xã, thành phố, cộng tác viên ở địa phương thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cho người lao động trên địa bàn. Phối hợp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối cung – cầu trực tuyến giữa doanh nghiệp và lao động tại các tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
 
Mặt khác, vận động doanh nghiệp cải thiện mức lương và các chế độ ưu đãi (đi lại, nhà ở, tiền ăn…) để giữ chân lao động an tâm làm việc và lan tỏa thu hút nguồn lao động từ các tỉnh lân cận đến Long An làm việc.
 
Theo số liệu tổng hợp, dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 10.846 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm 70,9%; chế biến, chế tạo chiếm 13,46%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 8,34%; kinh tế, văn phòng chiếm 7,3%. Với các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút lao động của chính quyền tỉnh Long An và việc thực hiện tốt các chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp đối với người lao động đã góp phần giữ chân người lao động, giúp họ an tâm làm việc, tạo sự ổn định của thị trường lao động trong tỉnh.
 
Mặc dù không lâm vào tình trạng thiếu nguồn lao động nghiêm trọng vào thời điểm những tháng cuối năm 2022, tuy nhiên theo đánh giá, với sự gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau dịch bệnh COVID-19, thị trường lao động Long An vẫn thiếu hụt cục bộ nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề ở một số ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao như: cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ nano, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, logistic...
Hình ảnh: Long An: Tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm, tuyển dụng lao động số 2
Các trung tâm, cơ sở giáo dục  tỉnh Long An phối hợp cùng các doanh nghiệp tập trung đào tạo nâng cao  tay nghề cho công nhân, người lao động. (Ảnh: HM)
Chú trọng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao
 
Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước. Trong thời gian qua, bên cạnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/4/2021 đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, ngành nghề phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, có số lượng, có cơ cấu hợp lý, phù hợp với vị trí việc làm, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Long An xác định đến năm 2025, về nguồn lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Định hướng ngành nghề đào tạo trên lĩnh vực công nghiệp: các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, định hướng các nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, năng lượng, cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa, chế biến; trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, định hướng ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo nhu cầu thị trường.
 
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh xác định tập trung triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.../.
Hoàng Mẫn
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/long-an-thao-go-kho-khan-trong-tim-kiem-tuyen-dung-lao-dong-618410.html