Chiều nay 12/11 tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng đã tổ chức buổi họp báo về hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến- ý chí bảo vệ độc lập tự do và bài học lịch sử”.

Phát biểu tại hội thảo, đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: "Sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23 tháng 9 năm 1945 là trang sử oanh liệt mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn -Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ta ở mặt trận Sài Gòn -Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam Bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của dân tộc Việt Nam".

75 năm đã trôi qua, Nam Bộ là nơi mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đầy gian lao trong lịch sử dân tộc.

Đồng chí nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một hội thảo cấp Bộ về sự kiện Nam Bộ kháng chiến được tổ chức. Địa điểm tổ chức sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đầu tiên trong cả nước chủ động đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bên cạnh đó, trên cơ sở tiếp cận nguồn tư liệu mới, Hội thảo sẽ đề cập sâu rộng hơn về nhiều sự kiện liên quan đến ngày 23 tháng 9 năm 1945 Nam Bộ kháng chiến.

Đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

Đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

Nội dung Hội thảo tập trung giải quyết 7 vấn đề chính: (1) Làm rõ bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và đồng minh muốn trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương; (2) Khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (Chính phủ lâm thời) thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình, kịp thời cử cán bộ vào tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Ngay từ trung tuần tháng 8, Hội nghị Trung ương Đảng ở Tân Trào đã sớm dự báo âm mưu trở lại xâm lược của thực dân Pháp. Đến nay, dần trở thành hiện thực ở miền Nam Việt Nam; (3) Khẳng định tinh thần chủ động của Xứ ủy Nam Bộ, lập tức phát động Nhân dân quyết tâm kháng chiến, sử dụng bạo lực cách mạng chống quân xâm lược. Đây là quyết định thể hiện tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Xứ ủy Nam Kỳ trước Đảng, trước vận mệnh của dân tộc. Quyết tâm đó, chứng tỏ Xứ ủy Nam Kỳ vững tin vào tinh thần và khả năng cách mạng của nhân dân Nam Bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc; (4) Tái hiện cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn cầm chân địch trong nội đô suốt ba tháng năm 1945. Hoạt động đấu tranh của các lực lượng vũ trang đã kìm hãm, ngăn chặn ý đồ tiến công của quân viễn chinh Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại, thương vong; (5) Nam Bộ kháng chiến - biểu hiện tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, đáp lại “tiếng kêu sơn hà nguy biến” từ Nam Bộ, quân và dân các địa phương trên cả nước nhanh chóng hướng về Sài Gòn - Chợ Lớn, hướng về Nam Bộ; (6) Nam Bộ kháng chiến khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do và để lại nhiều bài học lịch sử. Mặc dù vừa mới giành được độc lập, trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng với tinh thần “Độc lập hay là chết”, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, công an,... cùng với toàn thể nhân dân miền Nam kiên quyết đứng lên đánh Pháp với những cách đánh linh hoạt, sáng tạo; (7) Bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành kháng chiến; về công tác huy động sức người, sức của chi viện chiến trường; về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, v.v.

Do đại dịch Covid-19 nên Hội thảo không thể tổ chức đúng dịp Kỷ niệm 75 ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2020). Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, sẵn sàng tổ chức Hội thảo thành công. Dự kiến Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 21/11/2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

VÀI SỐ LIỆU VỀ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN

Trong tuần lễ kháng chiến đầu tiên, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã diệt 30 tên Pháp, đốt phá 138 xí nghiệp, 22 kho tàng, 4 chợ, 81 tàu, 200 xe hơi và một số cầu cống. 

Tính đến hết ngày 22/9/1945, tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, lực lượng vũ trang kháng chiến có tổng cộng 7.500 người, gồm 1.500 lực lượng vũ trang nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn, 1.000 người thuộc các “bộ đội” tỉnh Gia Định, 500 công an, 2.000 Bình Xuyên và 2.500 các “sư đoàn dân quân cách mạng”. Trừ một số người thuộc các đơn vị quân đội Pháp, Nhật trước đây, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ đều chưa qua trường lớp huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí thô sơ và chưa có kinh nghiệm tác chiến trên các chiến trường. 

Quân đội Pháp đến tháng 10 năm 1945 có mặt ở Sài Gòn là 6.000 tên (chưa kể quân Anh và quân Nhật).

 

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH VỀ SỰ KIỆN NAM BỘ KHÁNG CHIẾN 23 THÁNG 9 NĂM 1945

- Tháng 12 năm 1943, Tại Angieri, Đờ Gôn đã tuyên bố “sẽ giải phóng Đông Dương”.

-Ngày 24 tháng 3 năm 1945, Đờ Gôn ra bản tuyên bố về vấn đề Đông Dương, chính thức xác nhận quan điểm của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp đối với vùng đất mà người Pháp đã có mặt và áp đặt ách thống trị kéo dài ngót 80 năm. Xem việc trở lại nắm quyền thống trị Đông Dương là tất yếu.
- Ngày 2 tháng 5 năm 1945, Bi đôn (Ngoại trưởng Pháp) tuyên bố tại Franxisco (Mỹ): Tương lai của Đông Dương phụ thuộc vào nước Pháp và chỉ có nước Pháp mà thôi. Đồng thời với những tuyên bố trên, Chính phủ lâm thời Pháp tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt để trở lại Đông Dương.

- Ngày 17 tháng 8 năm 1945 Đờ Gôn bổ nhiệm Đô đốc Đắcgiăngliơ làm Cao ủy Đông Dương thuộc Pháp và chỉ định Tướng Lơclec làm Tổng Tư lệnhcác lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương; hối thúc Lơclec phải cấp tốc sang ngay Sài Gòn.

-Ngày 27 tháng 8 năm 1945, viên Đại tá Xê-đin - tự xưng là Ủy viên cộng hòa Pháp ở Nam Đông Dương đến gặp Ủy ban Nhân dân Nam Bộ, đòi ta công nhận bản tuyên bố ngày 23 tháng 4 của Đờ Gôn.Ta kiên quyết bác bỏ yêu cầu của kẻ thù mặt khác tuyên bố sẵn sàng hợp tác với nước Pháp mới, thừa nhận một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa của Pháp, bảo đảm cho những người Pháp muốn rời khỏi Việt Nam…

- Ngày 2 tháng 9 năm 1945, giữa lúc 50 vạn nhân dân Sài Gòn đang mít tinh chào mừng ngày độc lập, một số tên Pháp nấp trong nhà thờ Đức Bà xả đạn, làm hàng chục đồng bào ta chết và bị thương.

- Ngày 4 tháng 9, tại trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ, lực lượng vũ trang công nhân Sài Gòn lập bàn thờ tổ quốc, tổ chức mít tinh tuyên thệ” không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước hiểm nguy để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ non sông”.

- Ngày 6 tháng 9 năm 1950, phái bộ Anh gồm 30 sĩ quan, do một viên đại tá cầm đầu tới Sài Gòn, thực thi nhiệm vụ giải giáp vũ khí quân Nhật.Ngày 11 tháng 9 năm 1945, Gra-xây đến Sài Gòn. Một ngày sau 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đoàn quân này có 1 đại đội thuộc trung đoàn Bộ binh thuộc địa số 5 (5 è RIC) của Pháp, tới Sài Gòn chuẩn bị cho sự trở lại của quân Pháp ở Đông Dương, thực hiện cuộc hành quân mang mật danh “Thắng Lợi” nhằm tái chiếm “Đông Dương thuộc Pháp”.

- Ngày 7-9: Ủy ban nhân dân Nam Bộ thay thế Lâm ủy hành chánh Nam Bộ, do Phạm Văn Bạch làm chủ tịch. 

- Dựa vào quân Anh, ngày 21 tháng 9 năm 1945, Xê din đòi tổ chức họp báo và ngang ngược phủ nhận sự có mặt của chính quyền Việt Minh.

- Đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945 quân Pháp nổ súng đánh chiếm một số công sở của ta trong thành phố. Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945 các đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong đã chiến đấu quyết liệt tại dinh Đốc Lý, đường Véc-đoong, đường Nô-rô-đôm.Cũng trong sáng 23 tháng 9 năm 1945, tại địa chỉ 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5 thành phố Hồ Chí Minh), đã diễn ra Hội nghị khẩn cấp của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Hội nghị quyết định phát động quân và dân Nam Bộ tiến hành kháng chiến; thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn- Chợ Lớn; đồng thời điện báo gấp ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị. Ủy ban kháng chiến Nam Bộ hạ lệnh cho quân dân thành phổ tổng đình công, bất hợp tác với địch.Chiều ngày 23 tháng 9 năm 1945, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ phát đi lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, nhân dân thành phố Sài Gòn tăng cường đoàn kết, kiên quyết chiến đấu bảo vệ quốc gia.Ngay đêm 23 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiệu tập phiên họp khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương, đồng ý với quyết tâm kháng chiến của Hội nghị đường Cây Mai.

- Ngày 24 tháng 9, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền bức điện của Chính phủ chỉ thị cho Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến.Chính phủ lâm thời gửi huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ; Tổng Công đoàn Nam Bộ ra lời kêu gọi nhân dân triệt để thực hiện Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến.Đêm 24 tháng 9 nhiều đơn vị vũ trang vừa mới thành lập từ miền Đông Nam Bộ, Hậu Giang, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và từ Cần Giuộc, Nhà Bè đã tham gia tiến công địch tại một số địa điểm ở nội thành Sài Gòn.

- Ngày 26 tháng 9 năm 1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Tự vệ đốt cháy cầu Thái Liêu, phối hợp các đơn vị Thủ Dầu Một chặn đánh đoàn xe 7 chiếc chở quân Anh đi áp tải vũ khí ở Bình Đức vê tiếp tế cho quân Pháp.

- Ngày 27 tháng 9 quân Pháp tấn công cầu Thị Nghè, lọt vào trận địa phục kích của ta, một số tên thương vong, buộc địch bỏ dở cuộc tiến công. Du kích Gò Vấp phục kích tại ngã ba Chú Ía,bắn cháy xe Jeep, đại tá Đi- uây bị thiêu chết.

- Biết không thể đánh chiếm thành phố bằng sức mạnh quân sự trong thời gian ngắn nên thực dân Pháp đã đề nghị thương lượng với Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Dù biết địch dùng kế hoãn binh để chờ tăng viện nhưng ta vẫn cử đại diện đàm phán với Pháp. Sáng ngày 2 tháng 10 năm 1945, Xê- đin đại diện cho phái đoàn Pháp, phía ta do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đại diện. Phía Pháp đã yêu cầu ta chấp nhận bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 của Đờ Gôn. Ta yêu cầu phải công nhận nền độc lập của Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, quân Pháp phải đình chiến và rút quân về các vị trí trước ngày 23 tháng 9.

- Trong các ngày 3 tháng và 5 tháng 10 rất nhiều quân đội Pháp đến Cảng Sài Gòn, Lơclec cũng tới Sài Gòn triển khai kế hoạch tấn công thành phố và đánh lan ra các tỉnh lân cận. Trong khi đó, tối 6 tháng 10 cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, phía Pháp tìm mọi cách để trì hoàn nhằm chờ viện binh, tập hợp lực lượng chuẩn bị cho việc tiến công của chúng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc tiến công, phá vòng vây của ta và đánh lấn ra ngoại ô.

- Cuối tháng 9 năm 1945, tại Chợ Đệm, đồng chí Trần Văn Giàu chủ trì hội nghị bàn về tổ chức chiến đấu tại Sài Gòn-Gia Định- Chợ Lớn. Hội nghị thống nhất ngoài mặt trận nội ô, Sài Gòn thành lập thêm 3 mặt trận, theo đó, Sài Gòn – Gia Định được phân chia thành các khu vực chiến đấu như sau: Mặt trận số 1 (còn gọi là Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định hay Mặt trận phía Đông) kéo dài từ ngã ba sông Thị Nghè đến cầu Bông. Chiến đấu tại mặt trận này gồm có các đơn vị bộ đội Trần Cao Vân, Hoàng Cao Nhã, Hoàng Mạnh, Triệu Cải, Nguyễn Bân,... Bộ chỉ huy mặt trận gồm Nguyễn Đình Thâu (Chỉ huy trưởng), Phạm Văn Khung (Chính uỷ). Mặt trận số 2 (còn gọi là Mặt trận tiền tuyến Tham Lương hay Mặt trận phía Bắc), án ngữ của ngõ quốc lộ 1 đi Tây Ninh, Campuchia. Chiến đấu tại mặt trận này có các đơn vị bộ đội Năm Bội, Tư Thược, Tám Dọn, Huỳnh Tấn Chùa, Cao Đức Luốc, Tô Ký, Huỳnh Văn Một. Bộ Chỉ huy mặt trận do Nguyễn Văn Tư làm Chỉ huy trưởng. Mặt trận số 3 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến Phú Lâm - Chợ Đệm hay mặt trận phía Tây), án ngữ lộ Đông Dương 16, con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và lộ số 10 Bình Trị Đông - Cầu Xáng. Chiến đấu ở mặt trận này có lực lượng Cộng hòa vệ binh, xung phong công đoàn. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận này. Mặt trận số 4 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn hay mặt trận phía Nam, gồm mặt trận Bình Đông, cầu chữ Y, Tân Thuận, Thủ Thiêm. Chiến đấu tại  mặt trận này có lực lượng vũ trang Nhà Bè (bộ đội Dương Văn Dương) và lực lượng vũ trang Cần Giuộc (bộ đội Nguyễn Văn Mạnh, Trương Văn Bang). Chỉ huy trưởng mặt trận do Nguyễn Văn Trân phụ trách. 

 

Tuấn Đạt
Theo http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/nam-bo-khang-chien-y-chi-bao-ve-doc-lap-tu-do-va-bai-hoc-lich-su-130717