Đông đảo người dân đến tham dự buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tại xã Vân Thủy
Đông đảo người dân đến tham dự buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tại xã Vân Thủy

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, trong một vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện Chi Lăng đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người DTTS và miền núi tại 8 xã đặc biệt khó khăn gồm: Vân An, Chiến Thắng, Hữu Kiên, Bằng Hữu, Liên Sơn, Lâm Sơn, Bắc Thủy, Vân Thủy.

Tham gia hội nghị tập huấn Bí thư chi bộ, trưởng thôn và lãnh đạo các đoàn thể thôn, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Gặp anh Trần Văn Đạt, dân tộc Nùng, tại nhà văn hóa thôn Tòng Cút, xã Bắc Thủy. Anh Đạt cho biết, những buổi có cán bộ huyện về xã phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, anh không tham gia thì vợ anh sẽ đi nghe. Qua các buổi phổ biến, tuyên truyền pháp luật cán bộ chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến quyền lợi của những hộ nghèo như gia đình anh. Ví dụ như khi cần trợ giúp pháp lý thì tìm đến ai, ở đâu, và những ai được trợ giúp pháp lý…

Hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý tại xã Liên Sơn
Hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý tại xã Liên Sơn

Chị Lý Thị Dương, cán bộ phòng Tư pháp xã Bắc Thủy cho biết: Những buổi tuyên truyền trợ giúp pháp lý, bà con đến rất đông. Vì tại những buổi truyên truyền như vậy bà con được nắm bắt thêm rất nhiều thông tin, kiến thức liên quan đến quyền lợi, cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Như việc Phòng Tư pháp phối hợp với các đơn vị như Phòng Tài Nguyên - Môi trường; cán bộ kiểm lâm... tuyên truyền về Luật đất đai. Theo đó người dân hiểu được cấp giấy sử dụng đất sẽ như thế nào;  hiểu về các luật trong bảo vệ rừng, không được khai thác rừng bừa bãi; đặc biệt về phổ biến trợ giúp pháp lý, người dân sẽ biết được quyền, mục đích trợ giúp pháp lý của người dân…

Theo chị Dương, những buổi tuyên truyền về trợ giúp pháp lý tại xã Bắc Thủy do Phòng Tư pháp huyện tổ chức, cũng góp phần giảm bớt những khó khăn cho cán bộ xã. Khi người dân cần trợ giúp pháp lý, sẽ biết liên hệ cán bộ tư pháp xã; lĩnh vực nào cán bộ tư pháp trả lời được sẽ trả lời cho người dân, lĩnh vực nào ngoài thẩm quyền, thì cán bộ tư pháp xã sẽ giới thiệu xuống trung tâm trợ giúp pháp lý của huyện. 

Trực tiếp theo dõi buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý tại xã Vân Thủy, được chứng kiến bà Vi Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Chi Lăng truyền đạt tới các đại biểu nhiều nội dung trong Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 ngày 20/6/2017 và một số luật liên quan. Tại buổi tập huấn, báo cáo viên và các đại biểu trao đổi về các luật trong không khí cởi mở, sôi nổi; các đại biểu được chia sẻ, trao đổi ý kiến, với những điều không rõ, các báo cáo viên sẽ giải đáp thắc mắc trực tiếp…

Trong đó, nêu bật các nội dung: thế nào là trợ giúp pháp lý; nguyên tắc của hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý (người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ nghèo, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình…); quyền của người được trợ giúp pháp lý; nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý…

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước pháp luật

Bên cạnh đó, các đại biểu còn được Ban tổ chức phát miễn phí một số tờ rơi, tập gấp, tài liệu. Trong đó, có một số quy định của pháp luật về hành vi bạo lực gia đình; một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi xâm hại trẻ em; quy định của pháp luật về hòa giải và tổ hòa giải cơ sở; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật phòng chống bạo lực gia đình;…

Bà Vi Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Chi Lăng cho biết, thông qua buổi tuyên truyền nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng các mô hình điểm, giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Song song với các buổi tuyên truyền của Phòng tư pháp huyện Chi Lăng, thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn cũng tổ chức hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Tham gia hội nghị tập huấn có trên 200 đại biểu là cán bộ Công chức Tư pháp - Hộ tịch, thành viên Tổ hòa giải ở cơ sở, Người có uy tín trong cộng đồng, Trưởng thôn, khu phố các xã, thị trấn, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Chi Lăng.

Triển khai Chương trình MTQG 1719 ở Chi Lăng (Lạng Sơn): Lấp đầy “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật
Theo https://baodantoc.vn/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-cho-bao-dtts-o-huyen-chi-lang-lang-son-dam-bao-cong-bang-trong-tiep-can-cong-ly-cho-dong-bao-dtts-bai-3-1693276972743.htm