Ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.

Hình ảnh: Nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm số 1

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: B.T)

Tại Hội nghị, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. 

Trong cơ cấu chăn nuôi gà, khu vực miền Bắc có tỷ trọng lớn hơn so với khu vực miền Nam, chiếm khoảng 60% tổng đàn gà cả nước. Trong đó, chăn nuôi gà chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ trọng chiếm lần lượt 23% và 22%. Những năm gần đây, đàn gia cầm có sự chuyển dịch về các vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; giảm dần ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong Quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Về sản lượng thịt, trứng gia cầm, có sự tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Tổng sản lượng thịt hơi gia cầm tăng bình quân hằng năm 17,63% trong giai đoạn 2018-2022. Trong đó, tỷ lệ thịt gà chiếm 76 - 78,8%. Tỷ lệ thịt ngỗng giảm 5,3%/năm. Sản lượng trứng gia cầm giai đoạn 2018-2022 tăng trưởng bình quân 8,8%/năm. Trong đó, trứng gà chiếm 64,7% có mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn là 10,9%/năm.

“Việc phát triển chăn nuôi gia cầm trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, đồng thời, chúng ta đã phát huy được các dòng sản phẩm từ đàn vật nuôi bản địa; rất nhiều địa phương, trong phát triển chăn nuôi của mình coi chăn nuôi gia cầm là ngành hàng chính” – ông Tống Xuân Chinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, trong chăn nuôi gia cầm đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, gắn với doanh nghiệp, các tổ, nhóm, hợp tác xã. Việc triển khai mô hình này khi liên kết lại có sức mạnh hơn trong việc mặc cả nguyên liệu đầu vào, sản phẩm có sức cạnh tranh hơn trong liên kết sản xuất.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chinh, hiện nay chăn nuôi gia cầm đang tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Đó là tình hình dịch COVID-19 trên người ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại cùng với sự việc duy trì mức giá cao của nhiều mặt hàng đầu vào (đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi) đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao.

Biến đổi khí hậu và một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia cầm (cúm gia cầm) vẫn diễn ra tại một số địa phương ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kế hoạch đảm bảo tăng trưởng ngành chăn nuôi. Nhận thức, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của người chăn nuôi còn hạn chế; công tác vệ sinh môi trường và phòng bệnh còn nhiều bất cập, chưa chủ động được trong phòng bệnh.

Cùng với đó, công tác quản lý giống còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống giống hoàn chỉnh, các địa phương chưa chủ động được con giống chất lượng cao. Người chăn nuôi còn sử dụng con thương phẩm làm giống; việc nhập con giống, sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc còn diễn ra thường xuyên và diễn biến rất phức tạp,…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong 3 năm qua, đối với ngành chăn nuôi gia cầm, giá bán thường xuyên dưới giá thành. Do đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh hết sức khó khăn, ngành chăn nuôi gia cầm cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng. 

Muốn vậy, về cơ chế chính sách, Thứ trưởng đề nghị Cục chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu để sớm ban hành Quyết định 50 để có cơ chế chính sách hỗ trợ. Đồng thời là các chính sách liên quan đến các vấn đề về giống, thức ăn, chế biến, khoa học công nghệ,…cần khẩn trương thực hiện để giảm áp lực cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Về nội lực, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho cho rằng, Việt Nam có nhiều giống chăn nuôi tốt nhưng năng suất giống chăn nuôi của Việt Nam còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, về vấn đề này, cần xem đâu là lợi thế so sánh của Việt Nam để phát triển.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, về công tác thú y đã có những đột phá đáng ghi nhận, giảm hẳn số lượng động vật chăn nuôi tiêu hủy. Đây cũng là một trong các yếu tố góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho biết về định hướng phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới. Trong đó, đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 đến 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên từ 100 đến 120 triệu con, trong đó khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp; sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả; thịt gia cầm chiếm 29 – 31% tổng sản lượng thịt xẻ các loại,...

Để đạt được mục tiêu trên, ngành chăn nuôi gia cầm sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng. 

Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chủ động nguồn giống, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo nhu cầu trong nước, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo các tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu của nước nhập khẩu để hướng tới thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi,.../.

B.T

Nguồn: dangcongsan.vn