Hình ảnh: Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp số 1

Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo trước khi công bố tăng một đợt tăng lãi suất mới, ECB từng nhấn mạnh biện pháp này nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao kéo dài ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã báo trước tại hội nghị của ECB ở Bồ Đào Nha hồi tháng 6 rằng: “Công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Nếu không có thay đổi quan trọng trong triển vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7”.
Tăng lãi suất được coi là công cụ để giảm lạm phát. ECB bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 7/2022 sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, đẩy giá năng lượng và lương thực leo thang. Chu kỳ tăng lãi suất của ECB diễn ra sau nhiều năm lãi suất gần bằng 0, thậm chí âm trong khu vực Eurozone.
Lạm phát ở khu vực Eurozone đã giảm gần một nửa, xuống còn 5,5% trong tháng 6 so với mức cao nhất 10,6% vào tháng 10/2022, nhưng con số này chưa  đủ để ngăn ECB tiếp tục “hành động”. Theo ECB, lạm phát được dự báo vẫn cao trong trong thời gian quá dài và đây là cơ sở để ngân hàng này tiếp tục tăng lãi suất.
Như vậy, sau 9 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 7/2022 với tổng cộng 425 điểm cơ bản, các nhà đầu tư và nhà phân tích hiện đang tranh luận sôi nổi về việc cần thêm bao nhiêu lần tăng nữa và lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao trong bao lâu để đưa lạm phát đạt mục tiêu 2%.
 Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất do Reuters tiến hành tuần trước, hầu hết các nhà kinh tế vẫn dự đoán về một đợt tăng lãi suất mới, với 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 9 tới. Nếu được thực hiện, lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ khi lãi suất được sử dụng như một công cụ chính sách vào năm 1999./.

TTXVN