Duy trì room tín dụng là cần thiết
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết, từ năm 2023 trở về trước, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong đó, nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tăng trưởng tín dụng theo kiểm soát tín dụng (room tín dụng) tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với quy mô nhỏ được tăng trưởng theo kế hoạch tự xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động.
Sang năm 2024, NHNN không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này.
Tuy nhiên, nhà điều hành tiếp tục giao room tín dụng đối với các TCTD còn lại. NHNN tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp trên. Song trong quá trình triển khai nhiệm vụ, NHNN nhận thấy nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Room" tín dụng là hạn mức về chỉ tiêu tăng trưởng vốn, được NHNN phân bổ tới từng ngân hàng. Hạn mức này được nhà điều hành tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào, gồm dư nợ tín dụng, điểm xếp hạng, các khoản bán dư nợ tín dụng...
Theo NHNN, khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.
"Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, nếu ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011", báo cáo nêu.
Cũng theo NHNN, việc bỏ room tín dụng sẽ tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát. Vì vậy, việc duy trì công cụ room tín dụng là cần thiết.
"Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình và từng bước thực hiện phù hợp điều kiện thị trường", NHNN khẳng định.
NHNN cho biết đã và đang triển khai việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các TCTD với việc phân bổ room tín dụng.
Trước đó, tại phiên thảo luận hôm 25/5, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị cho rằng, về lâu dài, NHNN cần tiến tới sử dụng các côngcụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ vềhạn mức tăng trưởng.
Tín dụng tăng nhờ cho vay khách hàng doanhnghiệp
Năm 2024, NHNN định hướng room tín dụng là 15% và giao hết room ngay từ đầu năm, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế.
Tính đến ngày 10/5, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2023, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng thêmhơn 264.400 tỷ đồng. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa đầy 2% cho tới hiện tại, mục tiêu năm 2024 vẫn còn đang ở rất xa.
Đi sâu vào con số tăng trưởng tín dụng của từng nhà băng, các tổ chức nghiên cứu chỉ ra, tín dụng quý đầu năm của nhiều nhà băng vừa qua tăng nhờ cho vay khách hàng doanh nghiệp.
Báo cáo sức khỏe ngành Ngân hàng quý I/2024 được thực hiện bởi WiResearch cho thấy, ngành Ngân hàng đối diện với nhiều thách thức khi tốc độ tăng trưởng tín dụng YTD chỉ đạt một nửa so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu vốn yếu. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ cho vay doanh nghiệp, trong khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng vẫn còn thấp.
Theo WiResearch, trong quý I/2024, việc thúc đẩy vốn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng tín dụng. Điều này đã dẫn đến sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ở các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp, với mức tăng 4.08% so với cuối năm 2023 và tăng 20.3% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, mức tăng trưởng thấp được ghi nhận ở nhóm ngân hàng quốc doanh, do chiến lược cho vay thận trọng và chọn lọc cao.
Nhận định về những tháng cuối năm, FiinGroup cũng đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của NHNN rất thách thức. Tuy nhiên, sự phục hồi được đánh giá sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn vànhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.