Công khai, minh bạch trong hoạt động
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nội dung này.
Giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, Bộ Tài chính đã tổ chức 384 cuộc họp, hội nghị, lớp học tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, với 27.894 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để phòng ngừa một cách hiệu quả, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; công tác thanh tra, kiểm tra… Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính được đăng tải kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và các đơn vị trong Ngành để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, Bộ đã thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.671 người, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Đơn giản hóa thủ tục, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ cũng được tăng cường để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đã hoàn thiện các quy chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và chống tham nhũng trong hoạt động quản lý tài chính ngân sách và quản lý nội ngành.
Việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng được ngành Tài chính triển khai quyết liệt... góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 42 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2024 - 2025. Đến ngày 31/7/2024, Bộ Tài chính đã thực thi được 11/42 phương án đã được phê duyệt
Trong giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 nghị quyết, Chính phủ ban hành 19 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 70 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách. Nhiều văn bản được ban hành nhằm đơn giản hóa điều kiện, thủ tục hành chính hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp.
Nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng triển khai các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính...