NHNN: Hỗ trợ lãi suất phải khẩn trương, minh bạch, đúng đối tượng - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Phải bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách - Ảnh:VGP/HT

Đó là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú tại Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN do NHNN tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/5.

Hỗ trợ lãi suất-chủ trương đúng đắn kịp thời

Để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực.

Chính sách hỗ trợ lãi suất đã từng được triển khai trước đây (gói 1 tỷ USD năm 2009), tuy nhiên, đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống NHTM. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các NHTM. Căn cứ vào tham mưu của NHNN và các bộ, ngành liên quan, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022; đồng thời trong cùng ngày, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định quan điểm phải sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, với mục tiêu giúp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Tại Hội nghị, đại diện các chi nhánh NHNN, NHTM, hiệp hội bày tỏ quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, sau khi có Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN, ngân hàng này đã chủ động xây dựng quy định về hỗ trợ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và văn bản hướng dẫn hạch toán kế toán. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục có văn bản chỉ đạo, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước. Agribank yêu cầu chi nhánh các nội dung cụ thể như: Đẩy mạnh công khai minh bạch, đối tượng, điều kiện, lãi suất hỗ trợ; kiểm tra 100% các khoản vay có hỗ trợ, kịp thời phát hiện sai phạm nếu có…

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ước tính với quy mô dư nợ đến thời điểm hiện tại tháng 5/2022, ở mức trên 1 triệu tỷ đồng, số đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất chiếm xấp xỉ 30% dư nợ, với khoảng hơn 30.000 khách hàng. Lãnh đạo Vietcombank khẳng định sẽ sớm chuẩn bị truyền thông các chi nhánh, ban hành các quy trình nghiệp vụ, bảo đảm công khai đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách, nỗ lực thực hiện tốt chính sách của Chính phủ và NHNN, góp phần hồi phục tăng trưởng sau dịch COVID-19.

Đại diện Vietcombank cho rằng cần truyền thông hơn về các nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất để khách hàng biết rõ hơn. Đồng thời, đại diện Vietcombank cho rằng, sau cơn "hạn hán" tăng trưởng do bị ảnh hưởng bởi dịch, thì nhu cầu vốn tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 9%, do đó, Vietcombank đề nghị NHNN xem xét nới "room tín dụng" phù hợp, để các ngân hàng chung tay hỗ trợ tăng trưởng.

Có cùng quan điểm, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MBBank cho rằng, các ngân hàng tích cực tham gia hỗ trợ lãi suất, đồng thời cũng tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác, do đó, cần nới room tăng trưởng tín dụng.

Đồng thời, đại diện MBBank cho rằng, diện hỗ trợ khá rộng, do đó, NHNN cần làm việc thêm với các bộ, ngành khác, giải quyết những điểm chưa rõ liên quan tới phạm vi, đối tượng hỗ trợ, để các NHTM triển khai thuận lợi. Đại diện MBBank khẳng định thực hiện công khai minh bạch.

NHNN: Hỗ trợ lãi suất phải khẩn trương, minh bạch, đúng đối tượng - Ảnh 2.

Lãnh đạo DN được hỗ trợ sớm ngày nào tốt ngày đó - Ảnh:VGP/HT

Tăng cường phối hợp, gỡ vướng nhanh khi  thực thi

Sau khi lắng nghe, trao đổi ý kiến từ các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tổng hợp và đề nghị các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ.

Thứ nhất, đối với các NHTM: Cần sớm ban hành văn bản nội bộ để hướng dẫn các chi nhánh thống nhất thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 3 và Thông tư 03, đồng thời gửi NHNN (thông qua cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) để theo dõi, giám sát việc thực hiện hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng.

Toàn hệ  thống phải tổ chức triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31 và Thông tư 03 trong toàn hệ thống. "Quá trình triển khai có thể phức tạp, mất  công sức, không mang lại lợi nhuận, nhưng không được có tâm lý làm cho xong mà cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị, cần  phải tích cực tham  gia, góp phần hỗ trợ phục hồi  tăng  trưởng", ông  Đào Minh Tú lưu  ý.

Các ngân hàng cần đăng ký ngay kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2022, 2023 và từng năm theo quy định tại các Nghị định, Thông tư và văn bản hướng dẫn để NHNN sớm tổng hợp, đăng ký kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền giao vốn kế hoạch hỗ trợ lãi suất.

Đồng thời, ngân hàng cần chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Ở các địa phương, các ngân hàng chủ động linh hoạt xử lý khó khăn và kịp thời phản ánh với NHNN vướng mắc vượt thẩm quyền.

"Các NHTM không được hạ chuẩn tín dụng, phải bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách", lãnh đạo NHNN lưu ý.

Thứ hai, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

TIN LIÊN QUAN
  • Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã

    Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm

    Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm

  • Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023

    Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023

Thứ ba, NHNN chi nhánh các địa phương cần chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất; theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất. Lãnh đạo NHNN yêu cầu thực hiện thanh tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc cho vay hỗ trợ lãi suất của NHTM, chi nhánh các NHTM trên địa bàn theo quy định.

Thứ tư, các đơn vị thuộc NHNN cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải đáp vướng mắc của các NHTM trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

"Đây là chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính lo về vấn đề ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về đối tượng thụ hưởng, thực hiện hỗ trợ thông qua hệ thống NHTM. Có thể thấy trước những khó khăn phát sinh ngay từ bước đầu triển khai, nhất là về đối tượng thụ hưởng cần phải làm rõ, có thể gây lúng túng, hay thiếu thống nhất giữa các NHTM. Do đó, các bộ, ngành cần phải tích cực phối hợp giải quyết sớm được ngày nào lợi cho DN ngày đó, không để ách tắc, người vay vốn chờ đợi quá lâu", Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý.

Bên cạnh đó, các đơn vị của NHNN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất, giúp cho các đối tượng hiểu rõ và sớm tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất, thậm chí ai không được thụ hưởng cũng hiểu rõ vì sao không được, tránh hiểu lầm về chính sách.

Theo NHNN, đến 20/5/2022, tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021; cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Huy Thắng


Theo https://baochinhphu.vn/nhnn-ho-tro-lai-suat-phai-khan-truong-minh-bach-dung-doi-tuong-102220527135636089.htm